Tục bắt chồng của người Chu Ru
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 20:34, 31/01/2024
Quanh chuyện sơn nữ “bắt chồng” tôi đã được nghe nhiều “dị bản”. Nếu ở Bắc Tây Nguyên, mỗi độ hoa pơ-lang đỏ thắm núi rừng, con gái Giẻ Triêng vào rừng chặt củi hứa hôn, “bắt chồng”, thì ở Nam Tây Nguyên, người Chu Ru giữ luật tục “bắt chồng” lúc nửa đêm, các cô gái của tộc người giỏi nghề làm lúa nước chủ động chọn bạn đời.
Trong chiều nắng hanh hao mùa khô Tây Nguyên, tôi rong ruổi qua những buôn làng người Chu Ru ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, để hiểu thêm về tục “bắt chồng” của đồng bào dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Thông thường, khi những hạt kania bắt đầu rụng trong rừng, mùa màng thu hoạch xong, cũng là lúc trai gái ở các buôn làng Tây Nguyên bắt đầu mùa cưới. Theo tục lệ, mùa cưới ở đây kéo dài từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch.
Dù đã lên chức bà, nhưng chị Ma Vương còn bẽn lẽn khi kể với tôi về đêm cả dòng tộc tụ họp về nhà chị để chuẩn bị đi “dạm ngõ” nhà trai. Khi mặt trời đã chìm sâu sau núi T’rôm Ụ, mọi người đang chuẩn bị sính lễ để sang nhà trai, sơn nữ Ma Vương cũng đã vận xong bộ ui (váy) truyền thống. Dù cái bụng đã biết Ya Năm thương mình, nhưng không biết gia đình chàng trai có ưng thuận không, Ma Vương hồi hộp lắm.
Đêm không tỏ mặt người, khi nhà gái kéo sang nhà trai thì cũng là lúc gà gáy… Bây giờ, họ đã có với nhau mấy mặt con. “Dù khó khăn, nhưng gia đình mình vẫn không bỏ sót thứ lễ vật và thủ tục nào trong phong tục cưới xin truyền thống của người Chu Ru”, chị Ma Vương cho biết.
Lễ vật trong đám hỏi của người Chu Ru thường có dây cườm, khăn, chiêng, ché… và không thể thiếu chiếc nhẫn bạc. Theo quan niệm của người Chu Ru, srí (nhẫn) là vật thiêng trong tình yêu đôi lứa. Khi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau có nghĩa là trao sự “kết nối” trọn đời.
Tôi từng thâu đêm với già làng Ya Tuân, một trong những người am hiểu và còn lưu giữ đầy đủ phong tục cưới xin của đồng bào Chu Ru ở Đơn Dương. Trong ánh lửa bập bùng, già kể: Ngày xưa, chàng trai nhà nào được mắt, nhà gái sẽ âm thầm chuẩn bị lễ vật, chọn một đêm tối trời nào đó sẽ bất ngờ kéo sang. Thương lượng được thì bắt chồng, không được thì cả họ gái kéo về, đợi đến một ngày khác sẽ quay lại. “Phải đi ban đêm, vì nếu được nhà trai ưng thuận thì tốt, còn không thì đi về trong đêm không mắc cỡ”, già Ya Tuân giải thích.
Nếu cả hai dòng họ đồng ý cuộc hôn nhân, cô gái sẽ đến đeo srí kăra (nhẫn trống) cho chàng trai. Trường hợp chàng trai không thích, hôm sau có thể tháo nhẫn để trả lại cho gia đình cô gái… Nhưng đến bảy ngày sau, cô gái tiếp tục đến đeo nhẫn cho chàng trai mình thích và lặp đi lặp lại, đến khi người con trai chấp nhận thì đám hỏi, đám cưới diễn ra. Theo già Ya Tuân, điều “gay cấn” nhưng thú vị nhất trong tục “bắt chồng” của người Chu Ru là cuộc “đấu trí” giữa hai dòng họ. Đó là dùng những câu pơ dik, pơ đoa (gần như tục ngữ, thành ngữ) để nói bóng, nói gió về chuyện hôn ước, về sính lễ…
Thông thường, sau đám hỏi, cô dâu về nhà chú rể sống khoảng tám ngày để làm việc giúp gia đình chồng. Sau đó, nhà gái sẽ biện lễ sang nhà trai để dắt con gái và xin con rể về. Lúc này, nếu nhà trai kinh tế khá giả sẽ cho con mình một số thứ để làm của hồi môn.
Còn nhà gái có điều kiện thì tổ chức đám cưới, còn không thì chú rể về nhà vợ sống và đôi trẻ chính thức thành vợ chồng. Trong khoảng thời gian này, nhà gái và nhà trai thường tổ chức ăn mừng, đánh sar (đồng la), thổi rơkel (kèn bầu) và diễn dân ca, dân vũ mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. “Tục cưới xin ngày xưa rất ý nghĩa và nhân văn. Thách cưới là để đôi bạn trẻ và hai gia đình có trách nhiệm, không phải sự ngã giá. Cái quý nằm ở tình cảm, lòng tin”, già Ya Tuân cho hay.
Ngày nay, chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại trong đời sống của người Chu Ru, nhưng tục “bắt chồng”, đám hỏi, đám cưới đã tiếp biến văn hóa, có sự đổi thay phù hợp với thời đại.