Khó khăn bủa vây nền kinh tế Mỹ Latin và Caribe
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:36, 31/01/2024
Những kế hoạch cải cách, thay đổi trong chính sách của các quốc gia trong khu vực được kỳ vọng sẽ giúp bức tranh kinh tế và đời sống người dân trở nên tươi sáng hơn trong năm 2024.
Trong báo cáo thường niên do Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) công bố mới đây, cơ quan này dự báo khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ khoảng 1,9%, trong năm 2024. Theo CEPAL, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tạo việc làm chậm, sự tồn tại dai dẳng của những công việc phi chính thức và khoảng cách giới, cùng nhiều tác động khác.
Thư ký điều hành của CEPAL, José Salazar-Xirinachs dẫn các nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các khu vực đều giảm so với năm 2022. CEPAL dự báo, khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024, cụ thể Nam Mỹ ở mức 1,4%, Trung Mỹ và Mexico đạt mức 2,7%, Caribe là 2,6%. Trong số này, chỉ có nền kinh tế của Guyana nổi lên như một ngoại lệ khi tiếp tục xu hướng tăng vọt như trong vài năm trở lại đây nhờ hoạt động sản xuất dầu mỏ.
Những dự báo này phần nào phản ánh sự thiếu năng động của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung. Các sự kiện quốc tế trong những năm gần đây, như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột ở Ukraine đều ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế thế giới. Lạm phát tuy đã có xu hướng giảm nhưng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển vẫn không hạ cho nên chi phí tài chính vẫn ở mức cao trong suốt năm 2023. Các chuyên gia nhận định, tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong vài năm tiếp theo, với tỷ lệ lạm phát trung bình khu vực được dự báo ở mức 3,2% trong năm 2024.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ Latin và Caribe trong năm 2023 có thể hạ xuống mức 6,3%, tương đương giai đoạn trước đại dịch Covid-19, song có nguy cơ tăng trở lại vào năm 2024 do ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm của các nền kinh tế trong khu vực.
ILO lo ngại, tình trạng suy giảm kinh tế sẽ khiến sức mua giảm sút, từ đó gia tăng số lượng “người lao động nghèo”, những người có việc làm nhưng vẫn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu. Theo thống kê, khoảng 32,1% dân số Mỹ Latin và Caribe đang sống trong nghèo đói và 13,1% sống trong tình trạng nghèo cùng cực.
Những khó khăn về kinh tế đang bủa vây hầu hết các quốc gia trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các nước Mỹ Latin phải chi trả khoảng 110 tỷ USD để thanh toán nợ nước ngoài. Áp lực trả nợ nước ngoài gây cản trở tiến trình thực hiện các ưu tiên phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, từ xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đến nỗ lực giải quyết các vấn đề như ứng phó biến đổi khí hậu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hay cải thiện hệ thống y tế và giáo dục.
WB cho biết, nợ nước ngoài tại Mỹ Latin hiện tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, khiến chính phủ các nước buộc phải cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm mạng lưới an toàn xã hội và đầu tư công. Tổng nợ công nước ngoài của khu vực này đã tăng từ 445 tỷ USD năm 2010 lên hơn 1.000 tỷ USD trong năm 2022.
Trước tình trạng này, CEPAL khuyến nghị, các quốc gia Mỹ Latin và Caribe cần có các kế hoạch cụ thể nhằm tránh bẫy tăng trưởng thấp, như mở rộng quy mô phát triển sản xuất, hướng đến các lĩnh vực chiến lược năng động, thúc đẩy chính sách tạo điều kiện cho đầu tư công và tư nhân, bên cạnh đó cần điều chỉnh khuôn khổ tài chính để tăng cường huy động các nguồn lực.
Cơ quan của Liên hợp quốc cũng ủng hộ chính sách của các nước trong khu vực cho phép người dân hòa nhập nhiều hơn và giảm bất bình đẳng, nhất là bất bình đẳng giới. Ngoài ra, CEPAL còn nêu bật sự cần thiết của những cải cách về cấu trúc tài chính và thuế quốc tế để đồng hành cùng các nước Mỹ Latin và Caribe trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua huy động các nguồn lực cho khu vực.