Công nghệ

Định hình quy trình VietGAP cho nông sản Đắk Nông

Trần Thị Thoan 31/01/2024 05:48

Đắk Nông có tầm nhìn dài hơi để nâng cao chất lượng nông sản thông qua chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ theo quy trình VietGAP.

HTX Nông nghiệp dược liệu dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã được ngành Nông nghiệp hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP đối với 18ha cải thảo. Ngành chức năng cũng kết nối hiệu quả để HTX ký kết thành công hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CJFoods Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX, bà con nhận thức đầy đủ về VietGAP. Đó là một quy trình từ đầu đến cuối chứ không phải một kỹ thuật nào đó.

Trong đó, những nội dung như ghi chép, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hái sản phẩm được xã viên đặc biệt coi trọng.

Theo bà Toản, có một số công ty, nhà xuất khẩu uy tín tìm đến HTX đàm phán, thỏa thuận để hợp tác sản xuất, tiêu thụ với nhiều sản phẩm rau, củ, quả.

Đây chính là mối duyên lành của HTX với các đơn vị thu mua, tiêu thụ thông qua sự kết nối, hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương. Đồng thời HTX cũng khẳng định sản xuất theo VietGAP là một chứng nhận về chất lượng cao của nông sản Đắk Nông.

dsc_0147.jpg
HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP

HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa, TP. Gia Nghĩa được ngành NN-PTNT hỗ trợ sản xuất cà chua, dưa lưới Kim Hồng theo quy trình VietGAP.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, Giám đốc HTX, khi đạt và duy trì chứng nhận VietGAP, sản phẩm của HTX có giá trị cao hơn, giá bán cũng tốt hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo quy trình nông nghiệp tốt VietGAP giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông, đơn vị đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo quy trình nông nghiệp tốt VietGAP giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.

Trong đó, Sở NN-PTNT tích cực phối hợp thông tin, tuyên truyền về quy định điều kiện để sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; một số hành vi bị cấm, một số vi phạm thường gặp và hình thức xử lý vi phạm; quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng bảo đảm an toàn; quy trình giết mổ, vận chuyển thịt vật nuôi đạt chuẩn.

Thực hiện chương trình, các sở, ngành liên quan hỗ trợ máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tỉnh hỗ trợ hàng loạt doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, các diễn đàn nhằm kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm.

Cơ quan chuyên môn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quy trình, kỹ thuật sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản nông sản. Đến nay, Đắk Nông đã trên 2.600ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích này cao gấp 5 lần so với năm 2019.

Tỉnh Đắk Nông từng bước định hình được kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ theo quy trình VietGAP gắn với tái cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp. Nhiều sản phẩm chứng nhận VietGAP đã được tiêu thụ qua các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích uy tín, các sàn thương mại điện tử.

dsc_0782.jpg
Bơ booth của HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa đạt chứng nhận VietGAP

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản VietGAP của Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là mới đẩy mạnh ở trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ. Còn khâu phân phối, tiêu thụ chưa đạt được như kỳ vọng. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp chưa đi vào thực tế.

Nhiệm vụ hỗ trợ hạ tầng, kho bãi mặc dù đã có chính sách, nhưng rất khó áp dụng vào thực tiễn do kinh phí đầu tư quá cao, việc thực hiện hỗ trợ trải qua nhiều giai đoạn, trong khi đó nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm còn hạn chế...

Trần Thị Thoan