HTX nông nghiệp Đắk Nông cần thêm những cú hích
HTX nông nghiệp ở Đắk Nông tuy phát triển đúng hướng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.
Đắk Nông có 230 HTX nông nghiệp, với khoảng 4.800 thành viên, khoảng 4.400 lao động thường xuyên. Năm 2023, Đắk Nông có 73/203 HTX nông nghiệp đủ điều kiện xếp loại.
Trong đó, 32 HTX xếp loại tốt, chiếm gần 16%; 20 HTX xếp loại khá, chiếm gần 10%; 11 HTX xếp loại trung bình, chiếm trên 14%; 10 HTX xếp loại yếu kém, chiếm gần 5%. Ngoài ra, Đắk Nông có 53 HTX đã ngừng hoạt động.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông đánh giá: HTX nông nghiệp ngày càng được khẳng định là trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Các HTX có năng lực quản lý ngày càng tập hợp nông dân tham gia sản xuất quy mô lớn.
HTX tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, tránh được sản xuất manh mún, riêng lẻ. Các HTX có đủ tư cách pháp nhân, am hiểu pháp luật, tiềm lực tài chính nhằm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa nông sản.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết: Thực tế cho thấy, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Nông đang chuyển biến, phát triển đúng hướng. HTX nông nghiệp đang tăng cả về số lượng, chất lượng hoạt động, tích cực xây dựng nông thôn mới.
“Bước đầu, các HTX đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. HTX góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Khải đánh giá.
Qua đánh giá của Liên minh HTX Đắk Nông, bên cạnh những kết quả đạt được, HTX nông nghiệp còn có những mặt tồn tại, hạn chế. Đó là, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chưa cao.
Số thành viên trong các HTX còn ít. HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, quy mô sản xuất nhỏ. Nhiều HTX công nghệ lạc hậu…
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, HTX nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho các chuỗi ngành hàng nông sản thông qua phát triển các hoạt động sơ chế, chế biến.
HTX nông nghiệp là tổ chức trung gian có thể tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.
Do đó, HTX cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như áp dụng các tiêu chuẩn GAP, công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ thân tiện với môi trường.
Hiện nay, các HTX nông nghiệp có khoảng 600 cán bộ quản lý, nhưng trình độ vẫn chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ cán bộ HTX có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 10%.
Cán bộ trung cấp chiếm khoảng 15%, còn lại là sơ cấp, tập huấn ngắn hạn và chưa qua đào tạo. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX.
Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên.
Công tác tuyên truyền về phát triển HTX cần phải được làm tốt hơn. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân tham gia vào các HTX nông nghiệp. Các huyện, thành phố cần xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, điển hình từ đó nhân rộng.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát chính sách và tham mưu UBND tỉnh để thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu nông sản, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuyển đổi số…