Phấn đấu để Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, vùng động lực phát triển
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 08:52, 29/01/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhân dân tỉnh Gia Lai. Ảnh: NHAN SÁNG/TTXVN |
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo và ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, một số cơ quan của Trung ương, phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu trên các lĩnh vực tại địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhân dân tỉnh Gia Lai. Ảnh: NHAN SÁNG/TTXVN |
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối trong tỉnh, kết nối vùng; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; bên cạnh đó quan tâm phát triển kinh tế bảo đảm hài hòa, đồng bộ với phát triển văn hóa-xã hội và khai thác bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng…
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như các chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Luật Đất đai (sửa đổi) và quy định trong các luật, nghị quyết khác đã được Quốc hội thông tại các kỳ họp vừa qua; đồng thời tiếp thu một số kinh nghiệm của các địa phương, làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nguồn cán bộ chiến lược tại địa phương, quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ…
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có một vị trí chiến lược quan trọng với hơn 80.000 km đường biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Trong thời gian qua, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc…
Đề cập năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: NHAN SÁNG/TTXVN |
Nội dung quan trọng là tỉnh tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của địa phương; quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tăng cường phối hợp giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động của Quốc hội trong việc phối hợp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng chính sách, cải thiện các thủ tục hành chính...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị địa phương quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tăng giá trị kinh tế, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Qua nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, với vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Gia Lai cần tập trung quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tăng cường công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ; quan tâm xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền biên giới, tại chương trình hôm nay, tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác trao tặng 10 tỷ đồng (do Ngân hàng Công thương-Vietinbank tài trợ) để tỉnh Gia Lai xây dựng trụ sở Công an xã biên giới trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư về về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chăm lo, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm vấn đề lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm ngay từ những ngày đầu năm. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết; bảo đảm các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đầm ấm.
Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cùng những kết quả quan trọng đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030: Đưa Gia Lai trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết: Trong năm 2023, Gia Lai có 17/24 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết đề ra, trong đó, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ (như giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản; diện tích gieo trồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu); an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
Gần đây, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch để truyền tải đầy đủ các thông điệp đến các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; tỉnh quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống các văn bản về công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát được ban hành đồng bộ, kịp thời...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu một số vấn đề khó khăn, tồn tại cần phải lưu ý để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Theo đó, trong 24 chỉ tiêu có 7 chỉ tiêu chính và 2 chỉ tiêu thành phần không đạt Nghị quyết đề ra; đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP thấp; thu ngân sách chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công thấp…
Tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế; các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PAR Index, PAPI...); thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy tốt các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Gia Lai; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên. Các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,11%. ..