Đời sống

Tết truyền thống trong thời công nghệ

Nguyễn Lương 26/01/2024 05:00

Hòa nhịp cùng dòng chảy của thời đại, tết cổ truyền đã có nhiều thay đổi trong thời công nghệ số, khi mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú hơn.

Sắm tết online, hàng tết tận nhà

Trước đây, việc chuẩn bị tết thường được lên kế hoạch từ rất sớm. Mọi không khí từ mua sắm tết tới dọn dẹp nhà cửa đón tết đều khá tất bật.

Không những chuẩn bị một khoản tiền lớn để “lo tết”, nhiều người còn phải tranh thủ sắp xếp công việc để lo sắm tết, dọn nhà. Điều này vô hình khiến không ít người thấy mệt, thấy áp lực.

z5100706839756_5a7c96101b740d04406735c4ce682647-1-.jpg
Công việc cuối năm bận rộn, nên nhiều người dân chọn mua bánh chưng qua người quen trên các kênh bán hàng online

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực cho việc “lo tết” của đại đa số người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mạng xã hội đã giúp việc mua sắm gần như đầy đủ những thứ cần thiết cho ngày tết thêm đủ đầy.

Chỉ cần ở nhà, thông qua chiếc điện thoại thông minh truy cập các trang mua sắm trực tuyến, trang mạng xã hội của người bán hàng. Bằng hình thức này, nhiều gia đình có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng ẩm thực, quà tết, bánh kẹo hết sức phong phú. Nếu không tin tưởng mua hàng trên mạng, người dân có thể mua hàng từ những người bán hàng mình quen biết ngoài đời thực.

Những người bán hàng truyền thống tại các chợ dân sinh giờ đây cũng chuyển đổi số mạnh mẽ khi tiếp cận với các hình thức quảng bá sản phẩm qua mạng, giao hàng tại nhà. Từ những sản phẩm mang hương vị tết truyền thống như: bánh chưng, giò, gà, mứt... đến những thứ có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới đều có thể đặt mua và giao đến tận nhà.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, trú phường Nghĩa Tân, Gia Nghĩa (Đắk Nông) là gia đình kinh doanh nên rất bận rộn vào mua tết. Trước đây, để sắm tết, gia đình phải tranh thủ sớm, tối.

Thậm chí có thời điểm phải nhờ anh em, hàng xóm mua giúp một số thứ mới coi như đủ đầy hương vị tết. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.

“Việc mua sắm có thể thực hiện bằng trao đổi qua điện thoại, internet và được giao hàng đến tận nhà. Nhờ vậy, tôi có thêm thời gian trang trí nhà cửa, vui chơi cùng con, cháu”, bà Nguyễn Hồng Hạnh cho hay.

z5100724774658_97cc14a300538f561972901771d76b7d(1).jpg
Các loại cây cảnh trang trí trong ngày tết được các cơ sở kinh doanh bán trên mạng online để khách hàng thuận tiện đặt hàng

Chị Lê Thị Minh Tâm, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng thấy khá đơn giản vì có nhiều công cụ mạng xã hội để có thể mua, bán online.

Theo chị Minh, tết cổ truyền bây giờ không còn tất bật, vất vả như trước nữa. “Tất cả mọi mặt hàng đều có đầy đủ. Hàng bán cũng khá chất lượng, chỉ cần mình mua quen và đặt online. Thời gian sắm tết được tiết kiệm, gia đình chị tranh thủ về thăm, sắm tết với bố mẹ, ông bà hai bên nội, ngoại”, chị Minh chia sẻ.

Không gian tình thân xa mà gần

Trong cuộc sống, không có hương vị nào bằng tết tình thân. Có lẽ vì điều này, mỗi khi tết đến, xuân về, ai cũng đều mong muốn được sum vầy bên gia đình.

Mọi thành viên cùng nhau quây quần bên mâm cơm tất niên để nhìn lại một năm cũ đã qua và gửi tặng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới.

Vậy nhưng, không ít người do đặc thù công việc. Nhiều trường hợp mưu sinh xa nhà, không có điều kiện kinh tế để mọi cái tết đều có thể sum vầy bên gia đình.

Thế nhưng, chính công nghệ số đã giúp cho những người đón tết xa nhà cảm nhận được không khí ấm áp bên người thân. Cũng nhờ đó, những người xa quê hương, xa gia đình cũng vơi bớt cảm giác trống trải.

img_0663-1-.jpg
Công nghệ giúp không gian trở nên gần gũi, người thân dễ gắn kết hơn

Bạn Lê Thị Thu Giang, ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ rằng, mặc dù xa quê, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc đều giữ thói quen đón tết cổ truyền của dân tộc.

Ngay khi chuẩn bị tết, tâm trạng ai cũng nhớ nhà da diết. Cũng nhờ công nghệ số có thể giúp chị và bạn bè xa nhà thấy bớt tủi thân và chạnh lòng.

“Mỗi lần đón khoảnh khắc giao thừa sang năm mới, chúng tôi có thể gọi video chat với mọi người mọi lúc, mọi nơi. Tôi được nghe giọng nói, nhìn thấy khuôn mặt của những người thân, nhìn không khí chuẩn bị đón tết nơi quê nhà khiến tôi cảm thấy ấm áp hơn”, chị Giang tâm sự.

Có thể nói, công nghệ số đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của con người trên nhiều phương diện. Tết cổ truyền giờ đây cũng khác xưa nhiều.

Công nghệ số đã trở thành công cụ hữu ích giúp người dân chuẩn bị chu đáo cho ngày tết. Nó cũng giúp giải quyết được vấn đề khoảng cách về không gian, địa lý.

Trong cuộc sống hiện nay, đâu đó một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ chưa đúng nên chưa coi trọng giá trị, nét đẹp của tết cổ truyền. Vậy nhưng, tết công nghệ số và tết truyền thống đang ngày càng giao thoa, mang đến những hương vị mới giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại.

Tết như thế nào là do cảm nhận riêng của mỗi người. Công nghệ số cũng chỉ là công cụ bổ trợ. Điều căn bản nhất là cho dù cuộc sống có thay đổi ra sao, ngày tết cổ truyền trong lòng mỗi người dân Việt Nam vẫn đều là thời khắc thiêng liêng.

Đây chính là thời điểm mọi người cùng lắng lại để tổng kết những việc đã làm được trong năm cũ và định hướng cho tương lai của mình, với kỳ vọng tốt đẹp, đủ đầy hơn.

Nguyễn Lương