Kinh tế

Cam Vinh trĩu quả trên đất Đắk Nông

Trần Thị Thoan 25/01/2024 05:30

Cam Vinh, giống cam đặc sản của Nghệ An trồng tại Đắk Nông vẫn giữ được nét đặc trưng và cho nhiều quả.

Thời gian này, vườn cam Vinh của ông Nguyễn Trọng Lâm, ở bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) bắt đầu thu hoạch cho đến khoảng giữa tháng 2. Vườn cam 700 cây được trồng xen trong hơn 1ha cà phê trĩu quả khiến nhiều người trầm trồ.

Theo ông Lâm, vườn cây được gia đình trồng cách đây gần 10 năm, giống được mua vào từ tỉnh Nghệ An. Hiện vườn cam đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính, với năng suất dao động khoảng 50 - 100kg quả/cây.

a2.jpg
Vườn canh Vinh trĩu quả tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông

Hiện gia đình đang bán cam với giá 10.000 đồng/kg tại vườn. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, 700 cây cam cho gia đình ông Lâm mức lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ. Cùng với đó, vườn cà phê cho gia đình mức năng suất 4 tấn/vụ.

Ông Lâm cho biết, giống cam ông trồng là cam Vinh nổi tiếng trên cả nước. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, ông trồng trên phần đất có độ dốc vừa phải. Hàng năm, ông đều thực hiện việc cắt tỉa các cành già, bệnh; tạo độ thông thoáng cho cây.

a4.jpg
Hàng năm, ông Lâm đều phải cắt tỉa cành để tạo độ thông thoáng cho cây

Mùa mưa thì ông chú ý khơi thông dòng chảy quanh vườn để cây không bị ngập úng ảnh hưởng đến bộ rễ. Đây là một trong những kỹ thuật quan trọng nhất để phòng chống các bệnh chính trên cây cam là bệnh greening và bệnh thối rễ, vàng lá, rụng quả.

Cả 2 bệnh này hiện đang tồn tại và phát triển tại các vùng cam ở Nghệ An. Để trị được bệnh, trước hết giống phải sạch bệnh, cây đã bị bệnh thì phát hiện kịp thời và đào cả gốc rễ để đốt, bón vôi vào và lấp lại.

Mùa khô, gia đình ông duy trì việc tưới theo từng đợt như với cây cà phê. Để hạn chế thiên địch lớn nhất đối với cây ăn quả là ruồi vàng thì ông dùng các bẫy. Điều này vừa giúp ông không phải sử dụng hóa chất phun xịt vừa bảo đảm sức khỏe bản thân và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

a1.jpg
Cam Vinh cho chất lượng tốt trên vùng đất Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông

Vườn cam được ông Lâm canh tác theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Việc bón phân được ông cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, nên sản phẩm luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.

Ông Lâm khẳng định, cam Vinh trồng tại Đắk Nông vẫn giữ được nét riêng là vỏ quả màu vàng vừa phải, độ ngọt thanh nhẹ. Cam cho năng suất cao, thu hoạch đúng vào giai đoạn tết, nên rất khả quan về thị trường.

dsc_1219.jpg
Bẫy ruồi vàng được ông Lâm sử dụng để không phải xịt hóa chất lên vườn cam

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Xuân, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả như cam, bưởi, vải, nhãn, na...

Diện tích trồng xen, trồng thuần cây ăn quả trên địa bàn hiện đạt mức gần 100ha. Điều đáng mừng là hầu hết người dân đều chú trọng canh tác cây ăn quả theo hướng an toàn, hữu cơ. Hàng năm, cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho bà con.

Trong đó, mô hình trồng cam Vinh của ông Lâm đang được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang nắm bắt, theo dõi để đánh giá cụ thể, từ đó nhân rộng diện tích loại cây trồng này.

Trần Thị Thoan