Tuy Đức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn
Nông dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng nông sản.
Gia đình anh Hoàng Kiên Thành ở thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức có 5ha đất sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Anh Thành đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nhiều năm nay. Năm 2023, vườn hồ tiêu 2ha của gia đình anh đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, biết sử dụng phân, thuốc hợp lý nên mỗi năm 2ha hồ tiêu của gia đình anh cho thu nhập khoảng 10 tấn. Việc đạt tiêu chuẩn hữu cơ đã giúp anh kết nối tiêu thụ với công ty thu mua với giá bán cao hơn giá thị trường 20 triệu đồng/tấn.
Anh Thành cho biết, ở góc độ người sản xuất, nông nghiệp theo quy trình hữu cơ giúp gia đình giảm chi phí, đặc biệt đỡ độc hại trong quá trình canh tác vì không dùng phân và thuốc hóa học. Cây trồng và đất được bổ sung chất dinh dưỡng để phát triển an toàn, bền vững.
Tương tự, gia đình anh Phan Hoàng Lâm, xã Đắk Búk So có 10ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Trong đó, anh có 4ha sản xuất cà phê, hồ tiêu được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Anh Lâm cho biết, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ dễ hơn cách làm truyền thống vì có quy trình cụ thể. Hơn nữa, sản xuất hữu cơ có lợi cho sức khỏe, tạo ra môi trường sinh thái trên toàn bộ diện tích canh tác.
Tuy nhiên, để đạt và duy trì tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi người sản xuất phải nghiêm túc trong sản xuất, tuân thủ theo quy trình. Đạt tiêu chuẩn hữu cơ dễ dàng kết nối tiêu thụ và giá cao hơn giá thị trường các loại tiêu bình thường khoảng 20 triệu đồng/tấn.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đại Đoàn Kết, xã Đắk Búk So có 13 thành viên, sản xuất hơn 100ha cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Trong đó, có 20ha hồ tiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Vụ hồ tiêu năm ngoái, HTX đã kết nối với đơn vị thu mua với giá bán cao hơn giá thị trường 20 triệu đồng/tấn.
Ông Phan Hoàng Lâm, Giám đốc HTX cho biết, ngoài diện tích được công nhận, HTX có khoảng 50ha cây trồng đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX đang hướng tới 70% diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ để thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, trên địa bàn huyện hiện có gần 900ha cây trồng đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và được chứng nhận. Cụ thể, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP có 211ha gồm rau xanh, khoai lang, mắc ca, bơ, sầu riêng, măng cụt, bưởi, hồ tiêu, chanh dây... Chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ 520ha gồm điều, hồ tiêu. Chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C cho hơn 82ha cà phê...
Để sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn đến gần hơn với nông dân, những năm qua, huyện Tuy Đức đã thường xuyên tổ chức các mô hình sản xuất dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để người dân làm theo. Huyện liên kết tiêu thụ ban đầu để tạo cho người dân thói quen canh tác hiệu quả, bền vững.
Điển hình như Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức triển khai mô hình liên kết trồng và tiêu thụ khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGAP, với 7 hộ tham gia sản xuất 10ha. Mô hình sản xuất cà rốt VietGAP kết nối tiêu thụ với 18 hộ tham gia sản xuất 9ha…
Sau thời gian triển khai các mô hình, người dân đã tiếp tục phát triển và duy trì việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, kết nối tiêu thụ…
Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, từ các vùng sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, HTX, doanh nghiệp thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Một số sản phẩm nông sản của huyện vì thế đã khẳng định được thương hiệu và bắt đầu vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Các nông sản đạt tiêu chuẩn mở ra nhiều cơ hội để kết nối tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế.