Thái Lan thúc đẩy siêu dự án Land Bridge tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:08, 17/01/2024
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin gặp gỡ đại diện các tập đoàn quốc tế. (Ảnh: thaigov.go.th) |
Theo cổng thông tin của Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Srettha Thavisin tham dự Hội nghị thường niên của WEF được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ trong thời gian từ ngày 15 đến 19/1. Ông Srettha Thavisin là Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan tham dự Hội nghị thường niên của WEF sau 12 năm. Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Thủ tướng Srettha Thavisin kể từ khi nhậm chức.
Văn phòng Chính phủ Thái Lan nêu rõ, việc Thủ tướng Srettha Thavisin tham dự Hội nghị Davos 2024 là cơ hội để người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cam kết của Thái Lan trong việc xây dựng niềm tin, thúc đẩy hợp tác toàn cầu về thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững với hy vọng mang lại lợi ích thiết thực cho Thái Lan.
Thủ tướng Srettha Thavisin là diễn giả chính tại ba sự kiện gồm: Đối thoại chiến lược quốc gia về Thái Lan, phiên thảo luận “Học hỏi từ ASEAN” và chương trình giới thiệu siêu dự án “Land Bridge Thái Lan: Kết nối ASEAN với thế giới”.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin gặp gỡ đại diện các tập đoàn quốc tế. (Ảnh: thaigov.go.th) |
Cục Quan hệ công chúng (PRD) của Thái Lan cũng cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của WEF, Thủ tướng Srettha Thavisin, Bộ trưởng Ngoại giao Parnpree Bahiddha-Nukara và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Suriya Juangroongruangkit sẽ tham gia nhiều cuộc họp, gặp gỡ các đối tác khác nhau để thảo luận về triển vọng kinh tế của Thái Lan và quảng bá dự án Land Bridge.
Dự án cầu đất liền đang được Chính phủ Thái Lan thúc đẩy sẽ cắt ngang qua eo đất Kra ở miền nam đất nước, nối tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman. Dự án sẽ bao gồm một hệ thống đường cao tốc, đường sắt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển sâu sẽ được phát triển ở mỗi bên. Theo tính toán của Chính phủ Thái Lan, dự án này cần tới số vốn đầu tư 1 nghìn tỷ baht, chia thành bốn giai đoạn.
Land Bridge sẽ kết nối tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman. (Đồ họa: Bangkok Post) |
Trước khi lên đường sang Davos, tham dự Hội nghị thường niên của WEF, trong cuộc tranh luận tại Quốc hội về dự luật ngân sách của Chính phủ, Thủ tướng Srettha Thavisin nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tạo ra một tuyến đường giao thông mới cho khu vực và thế giới, siêu dự án cầu cạn ở miền nam Thái Lan còn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và an ninh năng lượng của đất nước.
Thủ tướng Thái Lan cho biết, dự án cầu đất liền được đề xuất nối Vịnh Thái Lan với Biển Andaman có thể giúp giảm bớt lưu lượng giao thông ngày càng tăng và thường xuyên xảy ra tai nạn do ùn tắc ở eo biển Malacca. Với lượng container dự kiến đi qua eo biển này tiếp tục tăng trong 10-15 năm tới, tình trạng tắc nghẽn có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng, Land Bridge có thể giúp đẩy nhanh việc xuất khẩu hàng hóa công nghiệp sản xuất tại Thái Lan từ các nhà máy do các công ty nước ngoài đầu tư.
Ý tưởng kết nối Biển Andaman với Vịnh Thái Lan nhằm rút ngắn khoảng cách di chuyển qua eo Malacca đã có từ lâu. Ý tưởng đào kênh xuyên eo đất này từng xuất hiện tại Thái Lan, song đã không thể trở thành hiện thực. Phương án xây cầu cạn được chính quyền Thái Lan đánh giá là khả thi hơn so việc đào kênh về mặt kỹ thuật cũng như chi phí xây dựng.