Đời sống

Đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn Đắk Nông

Thanh Hằng 17/01/2024 05:38

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, năm 2023, UBND xã Thuận Hà phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song (Đắk Nông) mở lớp đào tạo nghề nấu ăn cho lao động nông thôn.

Tham gia lớp học, phần lớn học viên là lao động nữ thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Sau 6 tháng theo học, các học viên được cấp chứng chỉ nấu ăn, tạo điều kiện để người lao động có thể đi xin việc hoặc tự kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Chị Đàm Thị Hiền (SN 1988), dân tộc Tày hiện đang là nhân viên nấu ăn tại Trường mầm non Hoa Ban, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà. Trước khi làm công việc này, chị Hiền dành phần lớn thời gian cho công việc nương rẫy. Do thu nhập bấp bênh nên từ đầu năm 2021, chị Hiền xin vào nấu ăn tại Trường mầm non Hoa Ban.

dao-tao-nghe-1.jpg
Chị Đàm Thị Hiền được học nghề nấu ăn miễn phí trong năm 2023

Tháng 6/2023, khi UBND xã Thuận Hà mở lớp sơ cấp nấu ăn, chị Hiền đã đăng ký tham gia, theo học với mong muốn có thêm kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc trẻ tốt hơn.

Chị Hiền cho biết, là học viên thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số nên chị được miễn toàn bộ học phí. Trong quá trình theo học, chị còn được hỗ trợ thêm kinh phí đi lại, từ đó tiếp thêm động lực để đến lớp vào mỗi dịp cuối tuần.

“Tôi xác định đi học nghề để có thêm kiến thức về nấu ăn cho trẻ. Quá trình học tôi, được thầy cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, thông tin bổ ích về thức ăn và cách chế biến, giúp tôi tự tin hơn khi nấu ăn tại trường. Sau 6 tháng theo học, tôi đã được cấp chứng chỉ và hoàn thiện các điều kiện, tự tin đứng bếp nấu ăn cho các cháu”, chị Hiền nói.

Năm 2023, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, xã Thuận Hà đã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các lớp học được mở vào ngày cuối tuần, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên là người dân trên địa bàn tham dự. Sau khi học nghề, nhiều người có vốn, có địa điểm kinh doanh thuận lợi đã mở cửa hàng ăn uống, hoặc tham gia nấu ăn tại các lớp bán trú trên địa bàn.

hinh-day-nghe-quang-truc.jpg
Nhiều lao động tại xã Quảng Trực đã được học nghề và biết ứng dụng vào hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuy Đức cũng được đẩy mạnh, gắn với tạo việc làm và công tác giảm nghèo. Hoạt động dạy nghề bước đầu mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, so với trước đây, người lao động địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nghề.

Từ thực tế địa phương và nhu cầu người học, UBND xã Quảng Trực đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Tuy Đức, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức mở các lớp sơ cấp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp…

Sau khi hoàn thành chương trình học, học viên đã biết ứng dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình, qua đó góp phần nâng cao thu nhập.

Ông Thuận cho rằng, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu người học, nhu cầu phát triển của địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện Tuy Đức cần liên kết với các trường trung cấp kỹ thuật trong và ngoài tỉnh, tổ chức lớp học với đầy đủ thiết bị, vật dụng phục vụ thực hành tại chỗ cho người học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo niềm tin yêu đối với học viên.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả, tác động tích cực tới công tác giảm nghèo và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, để giúp người lao động có việc làm ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, chú trọng tới các nghề phi nông nghiệp và liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho rằng: “Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để có kế hoạch mở lớp phù hợp”.

Thanh Hằng