Công bố quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 17:27, 16/01/2024
Trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là công cụ quan trọng để tỉnh Kon Tum hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế-xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.
Trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Kon Tum, đồng thời là một bước để cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về “Quy hoạch tổng thể Quốc gia”.
Quy hoạch tỉnh Kon Tum sẽ là kim chỉ nam để các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể để quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội, không gian phát triển cho địa phương nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với 4 trụ cột chính, gồm:
Phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến và công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, trọng tâm là xây dựng khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực;
Phát triển kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ dựa trên việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm, trong đó, phát triển thành phố Kon Tum thành một thành phố hiện đại, sôi động và bền vững với bản sắc riêng; là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng mà Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo tỉnh Kon Tum cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp: khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Kon Tum với các địa phương trong khu vực, cả nước; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cùng với tăng cường thu hút đầu tư, nhất là hợp tác công tư để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông như cảng hàng không, cao tốc, những thứ mà tỉnh Kon Tum còn thiếu. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành có lợi thế như nông, lâm nghiệp, dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.