Mục tiêu khó khăn của Mỹ nhằm giải quyết xung đột ở Trung Đông

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:10, 16/01/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vừa kết thúc chuyến công du dài ngày tới Trung Đông, trong đó các điểm dừng chân là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Israel, Bờ Tây (Palestine), Ai Cập nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ở khu vực này.

Với hàng loạt điểm nóng gây bất ổn an ninh ở Gaza, Biển Đỏ, Liban, Mỹ đang gặp nhiều thách thức trong mục tiêu tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực vốn là chảo lửa xung đột này.

Chuyến thăm Trung Đông của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tiếp diễn và Israel đang điều chỉnh chiến thuật quân sự tấn công từ quy mô rộng sang hẹp và chính xác hơn, nhằm vào các mục tiêu cụ thể của Hamas.

Đây là chuyến công du Trung Đông thứ 4 của ông Blinken kể từ khi cuộc xung đột Gaza bắt đầu nổ ra ngày 7/10/2023.

Tại các điểm dừng chân trong chuyến thăm Trung Đông lần này, ông Blinken đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, đồng thời nhấn mạnh Washington phản đối bất kỳ động thái nào nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi vùng đất của họ.

Trong cuộc gặp Tổng thống Ai Cập, Bộ trưởng Blinken bày tỏ mong muốn lắng nghe quan điểm của Ai Cập về triển vọng tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời chia sẻ với Tổng thống El-Sisi về chuyến công du mở rộng của ông tại Trung Đông.

Chuyến thăm Trung Đông của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tiếp diễn và Israel đang điều chỉnh chiến thuật quân sự tấn công từ quy mô rộng sang hẹp và chính xác hơn, nhằm vào các mục tiêu cụ thể của Hamas. Là đồng minh thân cận của Mỹ, Israel nhận được sự hỗ trợ toàn diện của Mỹ cả về quân sự và chính trị.

Tuy nhiên, Mỹ ngày càng lo ngại về mức độ thương vong của dân thường trong xung đột Israel-Hamas, đồng thời thừa nhận Israel đang ngày càng mất đi sự ủng hộ của quốc tế. Israel cũng đang hứng chịu áp lực ngày càng tăng từ đồng minh Mỹ và các quốc gia Trung Đông yêu cầu giảm bớt các cuộc tấn công vào dải Gaza.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu của ông Blinken là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng thường dân ở Israel, Bờ Tây và Gaza; bảo đảm thả tất cả con tin còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu nhằm khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân ở Gaza.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, nỗ lực ngoại giao con thoi lần này của Bộ trưởng Blinken là thúc ép Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế cũng như yêu cầu triển khai ngay các biện pháp để tăng cường lượng hàng cứu trợ vào Gaza; thúc đẩy các nước Hồi giáo còn do dự ở Trung Đông chuẩn bị đóng vai trò trong việc tái thiết, quản lý và bảo đảm an ninh ở Gaza.

Chuyến công du còn được cho là nhắm tới mục tiêu lâu dài hơn, đó là ngăn chặn Israel mở mặt trận thứ hai nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Liban, tiếp tục duy trì các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Arab. Bên cạnh đó, an ninh ở Biển Đỏ cũng là vấn đề cần được tập trung thảo luận trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ cản trở các hoạt động vận chuyển thương mại ở tuyến đường thủy quan trọng này.

Sau khi thành lập liên minh nhằm bảo vệ an ninh ở Biển Đỏ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào phiến quân Houthi nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các tàu thuyền thương mại ở vùng biển này. Trong diễn biến mới nhất, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) sáng 15/1 thông báo máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm, phóng từ các khu vực của phiến quân Houthi, nhắm vào tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Laboon của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở phía nam Biển Đỏ.

Theo giới quan sát, thành quả lớn nhất trong chuyến thăm Trung Đông của Bộ trưởng Blinken là việc nhóm năm nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan, Qatar và UAE đã nhất trí lập kế hoạch và cân nhắc khả năng tham gia tái thiết và quản lý Dải Gaza hậu xung đột. Đây được xem là diễn biến mang tính đột phá vì các quốc gia này trước đây từng tuyên bố phải có lệnh ngừng bắn và sự bảo đảm của Israel trong việc giảm thiểu thương vong cho dân thường, trước khi bàn về kế hoạch cho Gaza hậu xung đột.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn ở thế khó khi vừa khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào về tương lai ở Gaza cũng đều phải tính đến hòa bình và an ninh ở Israel, đồng thời phải bao gồm một Chính phủ Palestine thống nhất ở Bờ Tây và Gaza, nỗ lực hướng tới sự hội nhập trong tương lai của Israel với khu vực và mở đường cho một nhà nước Palestine độc lập. Mỹ và Israel vẫn đang mâu thuẫn về chính sách đối với Trung Đông cũng như tương lai quản lý Gaza.

Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao để giải quyết xung đột ở Trung Đông, vừa vận động, vừa gây sức ép để Israel thay đổi chiến thuật, giảm quy mô chiến tranh tại Gaza, trong khi tiếp tục cam kết bảo đảm “chiếc ô an ninh” cho đồng minh. Trong khi đó, việc Houthi bất chấp sức ép từ Mỹ, tiếp tục tiến công nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ khiến mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực này của Mỹ gặp nhiều khó khăn.

HÀ ANH