Việt Nam - Đan Mạch nâng tầm hợp tác
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:59, 16/11/2023
Việt Nam và Đan Mạch đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1971, đến nay sau hơn 50 năm đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền chặt. Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đối tác quan trọng của Chính phủ Đan Mạch với các chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.
Theo đó, trong những năm từ 1993 đến 2015, Đan Mạch là một trong những quốc gia có chương trình Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) song phương lớn nhất cho Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo... Năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện, nâng tầm quan hệ song phương của hai nước từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ đối tác chính thức bao trùm các lĩnh vực như đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, văn hóa…
Bằng việc ký kết GSP, hai nước thể hiện quyết tâm xây dựng một hình mẫu về hợp tác song phương trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. GSP là thỏa thuận hợp tác song phương giữa hai nước, với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và các sáng kiến, giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, tập trung vào việc quyết tâm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ.
Trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo mới đây công bố việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, Đại sứ Prytz đánh giá việc Việt Nam là nước thứ 5 trở thành Đối tác Chiến lược xanh của Đan Mạch cho thấy một cam kết mạnh mẽ của Đan Mạch trong tiến trình hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là về chuyển đổi xanh. Với quan hệ đối tác vững chắc này, theo Đại sứ: “GSP sẽ tập trung giải quyết các vấn đề quốc gia và quốc tế có tầm quan trọng của Việt Nam, cũng như hướng các nỗ lực tới việc sử dụng nhiều hơn công nghệ xanh và thực hành bền vững”.
Bày tỏ tin tưởng sự thành công của mối quan hệ đối tác GSP, Đại sứ Prytz chia sẻ: “Hai nước không những phải đối mặt nhiều thách thức giống nhau mà còn cùng chia sẻ mức độ tham vọng và cam kết cao đối với các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng cả hai nước chúng ta đều hướng đến một mục tiêu chung vì một tương lai xanh. Khi chúng ta cùng chung tay và chí hướng, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Đan Mạch cũng cam kết chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh và mong muốn việc nâng cấp quan hệ GSP sẽ khơi nguồn cảm hứng cũng như tạo ra một hình mẫu về hợp tác song phương. Theo Đại sứ Nicolai Prytz, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan của hai nước sẽ nhanh chóng bàn bạc và đưa ra một kế hoạch hành động của GSP với các mục tiêu tham vọng và hành động cụ thể.
Kế hoạch hành động này sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực hành, tăng cường xây dựng năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các chương trình hợp tác chiến lược giữa hai nước. Ngoài các lĩnh vực đang tiến hành và có truyền thống hợp tác như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, y tế, giáo dục, thống kê…, Đại sứ quán Đan Mạch sẽ nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như phát triển bền vững, khí hậu, giải pháp hàng hải…