Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được lập công ty theo hình thức nào?

Chính sách - Ngày đăng : 11:21, 15/01/2024

Khi thực hiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phải tuân thủ các quy định về nguyên tắc đầu tư, điều kiện, thẩm quyền quyết định đầu tư, đối tượng được đầu tư và giới hạn đầu tư tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và Thông tư số 86/2021/TT-BTC.

Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập. Quỹ ĐTPT thực hiện chức năng cho vay và đầu tư theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP, Quỹ ĐTPT địa phương được đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư. Theo đó, Quỹ ĐTPT địa phương góp vốn thành lập công ty cổ phần với số vốn góp của Quỹ chiếm hơn 50% vốn điều lệ của công ty cổ phần được thành lập.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: "Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó".

Bà Đỗ Thị Minh Quốc (Quảng Nam) hỏi, công ty cổ phần được đầu tư thành lập có phải là công ty con của Quỹ ĐTPT địa phương hay không?

Quỹ ĐTPT địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập, không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Vậy, theo quy định trên Quỹ ĐTPT địa phương có được coi là công ty mẹ của công ty cổ phần được thành lập không?

Ngoài ra, theo Điểm c Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, đối tượng được giao tài sản được quy định cụ thể như sau:

"1. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung gồm:

… c) Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước (sau đây gọi là doanh nghiệp có vốn nhà nước) có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch…

2. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị gồm:

… b) Doanh nghiệp có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch".

Quỹ ĐTPT địa phương là Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do UBND tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. UBND tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Quỹ, một số hoạt động của Quỹ ĐTPT địa phương được thực hiện theo quy định áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, Quỹ ĐTPT địa phương thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại tỉnh theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, trong đó đầu tư nhà máy cấp nước sạch thuộc lĩnh vực môi trường thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ.

Vậy, Quỹ ĐTPT địa phương có thuộc đối tượng được giao tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 nêu trên hay không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPT địa phương quy định:

Nguyên tắc và các hình thức đầu tư của Quỹ ĐTPT (Điều 17):

"1. Việc sử dụng vốn và tài sản của Quỹ ĐTPT địa phương để đầu tư phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định này và không thuộc phạm vi đầu tư công. Ngoài các quy định tại Nghị định này, hoạt động đầu tư của Quỹ tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan.

2. Quỹ ĐTPT địa phương lựa chọn các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư bao gồm:

a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;

b) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;

c) Đầu tư theo hình thức hợp đồng (hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP và hợp đồng hợp tác kinh doanh - BCC) hoặc thực hiện dự án đầu tư;

d) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Quỹ ĐTPT địa phương không được đầu tư trong các trường hợp sau:

a) Góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

b) Góp vốn cùng công ty con để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng.".

Đối tượng mà Quỹ ĐTPT được đầu tư như sau:

"1. Đối tượng đầu tư của Quỹ là các dự án, doanh nghiệp có ngành, nghề kinh doanh chính thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

2. Căn cứ vào danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ ĐTPT địa phương, Quỹ lựa chọn, thẩm định, quyết định đầu tư hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư vào các dự án, doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện đầu tư quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định này".

Về việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế của Quỹ ĐTPT địa phương (Điều 19):

"1. Việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế của Quỹ ĐTPT địa phương phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phương án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được đánh giá có hiệu quả và có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

b) Tổ chức kinh tế được đầu tư, góp vốn có ngành, nghề kinh doanh chính thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

2. Quỹ ĐTPT địa phương quản lý, chuyển nhượng phần vốn góp tại các tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp".

Về thẩm quyền quyết định đầu tư của Quỹ ĐTPT địa phương (Điều 21):

"1. Quỹ ĐTPT địa phương quyết định mức vốn đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc mức vốn đầu tư vào một dự án có giá trị đến 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm quyết định đầu tư.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức vốn đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc mức vốn đầu tư vào một dự án có giá trị trên 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm quyết định đầu tư.

3. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này có thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng dự án đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; quyết định chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế".

Về giới hạn đầu tư của Quỹ ĐTPT (Khoản 1 Điều 22): "Tổng giá trị giải ngân các khoản đầu tư theo quy định tại Điều 19 Nghị định này tối đa bằng 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm giải ngân vốn đầu tư".

Thông tư số 86/2021/TT-BTC ngày 6/10/2021 hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 4) quy định: "Quỹ ĐTPT địa phương có trách nhiệm xây dựng và trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành các Quy chế liên quan đến hoạt động của Quỹ trong đó có bao gồm quy chế quản lý các khoản đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế".

Căn cứ các quy định nêu trên, Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và Thông tư số 86/2021/TT-BTC đã quy định cụ thể về hoạt động đầu tư của Quỹ ĐTPT địa phương bao gồm việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế của Quỹ ĐTPT địa phương.

Do đó, khi thực hiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, Quỹ ĐTPT địa phương phải tuân thủ các quy định về nguyên tắc đầu tư, điều kiện, thẩm quyền quyết định đầu tư, đối tượng được đầu tư và giới hạn đầu tư tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và Thông tư số 86/2021/TT-BTC nêu trên.

Chinhphu.vn