Sơn La: Chuyện về bác sĩ quân y 30 năm khám bệnh miễn phí cho bà con vùng biên
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:04, 08/01/2024
Một ngày theo chân Bộ đội Biên phòng tuần tra vùng biên viễn Sơn LaTìm giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh trên đất Sơn LaSơn La: Công bố Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch |
“Thần y” ở xã vùng biên Mường Lạn
Trong những ngày rong ruổi ở xã vùng biên Mường Lạn, thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, phóng viên được nghe người dân nơi đây kể cho nhau nghe câu chuyện về bác sĩ Trần Văn Nam (54 tuổi), là cán bộ quân y thuộc Đồn Biên phòng Mường Lạn (xã Mường Lạn), người được ví như “thần y” đối với bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới nơi đây.
Bác sĩ quân y Trần Văn Nam đã có hơn 30 năm gắn bó với người dân xã vùng biên Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La |
Dù đã ngoài tuổi ngũ tuần, người bác sĩ mang quân hàm xanh này vẫn toát lên sự nhanh nhẹn với vóc dáng rắn chắn. Nhấp ngụm trà nóng, bác sĩ Nam kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình, từ tháng 3/1994 được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn làm cán bộ quân y. Lúc mới lên đây, tôi nản lòng lắm vì đường xá đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ khiến mình không hiểu bà con nói gì để hỏi đường chứ chưa nói đến việc thăm khám”.
“Công việc thử thách đầu tiên của tôi là đỡ đẻ, ngày ấy do đường xá xa xôi, phụ nữ trong khắp các bản ở Mường Lạn toàn sinh con tại nhà nên bất đắc dĩ tôi phải làm bà đỡ cho 3 sản phụ. Về sau, ai đẻ cũng đến nhờ tôi đỡ cho cả, bà con còn trêu tôi là “bà đỡ Nam” rất mát tay", bác sĩ Nam cười nói.
Những bệnh nhân ở xa, không có điều kiện, các bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Mường Lạn sẽ đến tận nhà thăm khám trực tiếp |
Theo bác sĩ Nam, thời điểm những năm 2000, bệnh sốt rét hoành hành tại Mường Lạn vô cùng quái ác, người dân cứ nghĩ do con ma rừng làm, chỉ biết cúng bái. Sau đó, bác sĩ xuống từng bản vận động bà con rắc vôi, phát quang cây cối, dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn việc ăn chín uống sôi, phát thuốc cho bà con nên bệnh sốt rét lui dần. Đến giờ, nhiều người vẫn nhớ và thường gọi đùa bác sĩ Nam là "thần y".
Với hơn 30 năm gắn bó với Mường Lạn, bác sĩ Nam đã giúp cứu sống hàng chục bệnh nhân, đồng thời giúp bà con nhận thức, hiểu rõ các cách phòng bệnh. Bà Lò Thị Vai (60 tuổi) trú bản Pu Hao (xã Mường Lạn) chia sẻ: “Ở Mường Lạn chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú… sinh sống. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại ở xa trung tâm huyện nên Đồn Biên phòng Mường Lạn cũng như trung tâm y tế xã là điểm tựa đầu tiên của bà con mỗi khi “trái gió, trở trời”.
Bà Vai cho hay, cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Mường Lạn luôn túc trực cả ngày lẫn đêm, bà con có thể đến khám bất cứ lúc nào nên ai cũng tin tưởng, quý mến bác sĩ biên phòng. Nhất là những bệnh nhân ở xa, sẽ được bác sĩ đến tận nhà thăm khám trực tiếp.
Nhiều người dân tộc thiểu số đến khám bệnh trực tiếp tại Đồn Biên phòng Mường Lạn |
Khám chữa bệnh miễn phí, coi người dân như ruột thịt
Theo chân bác sĩ Nam đến thăm khám cho ông Lò Văn Nô (73 tuổi) trú bản Mường Lạn (xã Mường lạn), phóng viên được ông Nô tâm sự: “Tôi bị bệnh nấm sâu ở chân đã gần 10 năm nay, đi lại phải chống nạng, đang điều trị tại nhà. Hàng tuần, bác sĩ Nam đều xuống nhà đo huyết áp, theo dõi bệnh tình cho tôi, thi thoảng còn cho thuốc miễn phí. Tôi cảm ơn bác sĩ biên phòng nhiều lắm, nếu không thì người dân nghèo như chúng tôi thực sự không đủ tiền mua thuốc, chẳng biết bấu víu vào đâu”.
Bác sĩ Nam được bà con ví như “thần y” ở xã vùng biên Mường Lạn |
Bác sĩ Nam thông tin, bà con dân tộc thiểu số ở Mường Lạn hay mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch và các loại bệnh tích lũy do lao động nặng thường xuyên. Đặc biệt, do có thói quen dùng nước suối trên rừng nên hay mắc bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da… Khi người dân đến đồn biên phòng thăm khám, nếu trong khả năng thì được cấp thuốc miễn phí, không thì sẽ được hướng dẫn lên bệnh viện tuyến trên.
Thiếu tá Trần Thanh Thụy – Phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, để đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, đơn vị luôn bảo đảm lượng vật chất dự trữ, sẵn sàng cơ động, kết hợp với khai thác tiềm lực vật chất tại chỗ. Bởi bộ đội biên phòng luôn xác định biên giới là quê hương, coi đồng bào như anh em ruột thịt, góp phần chung sức bảo vệ, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên vành đai biên giới vững chắc, gắn bó tình quân dân vùng biên giới.