Bộ Xây dựng công bố quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:42, 12/01/2024
Sửa đổi quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩuKhông để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ trong ngành khai khoáng |
Định hướng dài hạn cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Phát biểu khai mạc Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin: Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Quy hoạch đưa ra những mục tiêu rất cụ thể: Phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh |
Giai đoạn đến năm 2030: Ngành công nghiệp khai thác - chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất; hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng cũng cho hay: Quy hoạch bao gồm những nội dung lớn về quy hoạch thăm dò, khai thác theo các nhóm khoáng sản, quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản. Bên cạnh đó là những nội dung về định hướng quy hoạch hạ tầng, định hướng phát triển khoa học và công nghệ.
“Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Bộ Xây dựng đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị liên quan. Để thực hiện thành công Quy hoạch, Bộ Xây dựng trân trọng đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quan tâm phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện đảm bảo kịp thời, chất lượng và hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Quy hoạch gồm nhiều điểm mới
Trình bày nội dung cơ bản của Quy hoạch, tại Hội nghị, ông Đào Công Vũ- Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công Thương cho hay: Quy hoạch có nhiều điểm mới, trong đó nội dung đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị cùng các quy định, văn bản pháp luật liên quan.
Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 |
Phạm vi ranh giới của quy hoạch được lập cho tất cả các nhóm/loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản) trên diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa của cả nước.
Quy hoạch đã giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của quy hoạch thời kỳ trước, đặc biệt là việc giao thoa, chồng lấn giữa các khu vực/mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong Quy hoạch với các quy hoạch/dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; với các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã phê duyệt; với việc quy hoạch và cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số địa phương; với các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch các loại khoáng sản do các Bộ khác lập.
Các khu vực/mỏ khoáng sản đã và đang thực hiện ở thời kỳ trước đã được rà soát và cập nhật có chọn lọc các thông tin, số liệu theo giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác và quyết định phê duyệt trữ lượng được cơ quan có thẩm quyền cấp, phê duyệt vào quy hoạch này trên nguyên tắc tôn trọng và kế thừa các kết quả đã thực hiện thời kỳ trước; đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với nhu cầu khoáng sản cung cấp cho các ngành công nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật.
Tại Quy hoạch đã phê duyệt, tất cả các khu vực khoáng sản đều được khoanh định tọa độ khép góc, xác định cụ thể diện tích, dự kiến tài nguyên, trữ lượng và công suất khai thác để thuận lợi cho công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; đồng thời được sắp xếp khoa học theo danh mục từng địa phương ở 6 vùng kinh tế cho từng loại khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, tra cứu và cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện quy hoạch sau này. Ngoài ra, để khắc phục bất cập trong công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản giai đoạn trước, công suất khai thác các khu vực khoáng sản trong quy hoạch được xác định là con số tối đa cho phép (chưa bao gồm khoáng sản đi kèm), được xác định trên cơ sở kết quả phê duyệt trữ lượng của cơ quan có thẩm quyền và dự án đầu tư khai thác khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định.
Ông Đào Công Vũ- Phó Viện trưởng Viện Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công Thương |
Trên cơ sở tiềm năng tài nguyên khoáng sản đã điều tra, đánh giá và hiện trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, Quy hoạch đã phân tích các kịch bản phát triển, dự báo nhu cầu để xây dựng phương án quy hoạch nhằm khoanh định các khu vực khoáng sản đưa vào thăm dò - khai thác thời kỳ 2021-2030 và định hướng cho giai đoạn tầm nhìn đến 2050.
Đối với việc chế biến và sử dụng khoáng sản, yêu cầu các dự án đầu tư mới phải bảo đảm được nguồn nguyên liệu đủ trữ lượng và chất lượng phục vụ sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất xi măng và vôi công nghiệp. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất và quy hoạch các loại khoáng sản, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.
"Về giải pháp thực hiện, Quy hoạch đưa ra 9 giải pháp nhưng quan trọng nhất là giải pháp chính sách. Cùng đó là giải pháp về tài chính, đầu tư; ứng dụng khoa học, công nghệ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, công khai quy hoạch khoáng sản; giải pháp về đào tạo; nhân lực; hợp tác quốc tế; giải pháp về huy động vốn", ông Đào Công Vũ cho hay.