Cần lực đẩy mạnh mẽ hơn cho phục hồi sản xuất công nghiệp

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:02, 12/01/2024

Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024.

Top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnhSản xuất công nghiệp: Tập trung giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ

Tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: Là một trong những trụ cột của nền kinh tế nhưng năm 2023 công nghiệp bị “mờ” vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng.

Vấn đề đặt ra là cần lực đẩy mạnh mẽ hơn để vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi đó, đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Cần lực đẩy mạnh mẽ hơn cho phục hồi sản xuất công nghiệp
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng là ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất thông minh.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra định hướng dài hạn trong phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghị quyết đặt ra nhiều chương trình, nhiệm vụ như xây dựng, tăng cường năng lực sản xuất, thiết kế, chế tạo Việt Nam (Make in Vietnam). Tuy nhiên, cần xem các cơ chế, chính sách này đã làm được những gì, làm đến đâu ?

Năm 2023 kinh tế số, chuyển đổi số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng 19%. Đóng góp của kinh tế số vào GDP tăng 16,5%. Tuy vậy, vẫn cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp. Bởi lẽ, nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chủ yếu vào đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều thì thực chất vẫn là gia công.

Công nghiệp là một trong số các trụ cột của nền kinh tế, đây cũng là lĩnh vực được Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm thông qua nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Công nghiệp đã vượt qua năm 2023 với quá nhiều thách thức, năm 2024 được các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhìn nhận với nhiều dấu hiệu sáng hơn cho ngành.

5610-cong-nghiep-o-to
Cần lực đẩy mạnh mẽ hơn cho phục hồi sản xuất công nghiệp

Qua theo dõi, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững. "Chúng ta có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế", bà Đặng Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Mặt khác, làn sóng chuyển dịch về sản xuất Trung Quốc +1 thực sự bắt đầu từ năm 2014 và mạnh mẽ từ năm 2018, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp khủng long như Apple, Samsung... nhưng để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất chúng ta cần có hệ sinh thái đầy đủ của hệ thống doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như là chất lượng nhân công Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy bối cảnh năm 2024 có cơ hội nhưng cũng không thiếu thách thức cho công nghiệp phục hồi. Để lĩnh vực này lấy lại đà tăng trưởng, với vai trò quản lý ngành Bộ Công Thương đã triển đặt ra những giải pháp lớn.

Trong đó, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2024, các dự án sửa đổi, bổ sung các luật (Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất sửa đổi) và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, HĐH đất nước. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm đang được xây dựng, Bộ Công Thương tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chiến lược phát triển đối với các ngành thép, ô tô và sữa nhằm đề ra những định hướng mới để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng này; với mục tiêu hướng đến phát triển năng lực sản xuất tự chủ, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp trong ngành.

Hải Linh

Hải Linh