Đắk Nông nỗ lực đổi mới cách giảm nghèo
Thay vì cho “con cá”, Đắk Nông đã và đang tập trung vào việc trao “cần câu” cho hộ nghèo. Từ đó, công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, lâu dài.
Thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động Ngày vì người nghèo, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành cùng người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh tặng quà, hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, hoạn nạn, Mặt trận các cấp còn hỗ trợ sinh kế trao vốn đầu tư sản xuất, cây, con giống, công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết để an cư lạc nghiệp... Thay vì giúp đỡ trước mắt, hiện nay, chúng tôi hướng đến tính bền vững, lâu dài, “trao cần câu, không trao xâu cá”.
Điều căn cơ nhất chính là phải thay đổi tư duy cho bà con, làm sao để mỗi hộ nghèo đều phải quyết tâm giảm nghèo ngay từ trong nhận thức, tư tưởng. Mọi sự giúp đỡ chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, muốn thoát nghèo hay không thì phải dựa vào nội lực của chính người dân. Bởi nếu có hỗ trợ, có nguồn lực, nhưng bản thân hộ gia đình đó không muốn thoát nghèo thì nghèo mãi vẫn hoàn nghèo. Để làm được điều này, theo tôi, các cấp, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức giảm nghèo, thoát nghèo cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân.
Thời gian qua, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo, nhất là các chính sách đặc thù riêng cho đồng bào DTTS tại chỗ phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm theo từng năm.
Kết quả rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo chung của tỉnh đạt 2,97% (chỉ tiêu 3%), trong đó tỷ lệ giảm nghèo DTTS tại chỗ là 8,1% (chỉ tiêu 5%). Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo chung không đạt so với chỉ tiêu giao, nhưng lại vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo đồng bào DTTS tại chỗ rất ấn tượng, vượt 3,1% so với kế hoạch. Với kết quả này, năm 2023, Đắk Nông là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo.
Năm 2024, Đắk Nông còn hơn 5,1% tỷ lệ hộ nghèo. Điều này đặt ra những nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về công tác giảm nghèo. Để công tác giảm nghèo ngày càng hiệu quả thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo cho người dân. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của T.Ư, tỉnh, địa phương về công tác giảm nghèo, nhất là trong đồng bào DTTS tại chỗ.
Công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo còn thiếu tính bền vững; khả năng tái nghèo cao. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về lâu dài. Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Do đó, để giảm nghèo đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân.
Giảm nghèo bền vững là bài toán nan giải, trong đó một cá nhân, một tổ chức không thể nào làm được mà cần có sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, Đắk Glong đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi xác định giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển. Từ đó, các cấp, ngành trong huyện đã triển khai hỗ trợ sinh kế giúp các hộ dân là người dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển, từng bước thoát nghèo.
Do đó, theo tôi, để giảm nghèo bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thì điều quan trọng nhất là trao cho bà con sinh kế, cơ hội, khoa học kỹ thuật. Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau để cho bà con từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tránh tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước. Những người tham gia tuyên truyền phải là những người không còn nghèo thì nói bà con mới nghe, mới tin.
Huyện Đắk Glong tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm kịp thời đồng hành cùng bà con trên con đường giảm nghèo.
Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Đắk Nông là hơn 4.200 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, tạo niềm tin, động lực để người nghèo vươn lên, trong số này nhiều hộ đã thoát nghèo hiệu quả, làm giàu từ chính nguồn vốn vay.
NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong công tác giảm nghèo. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các tổ chức được ủy thác nguồn vốn vay tập huấn, hướng dẫn về cách sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
NHCSXH phối hợp cho bà con ký cam kết sử dụng vốn đúng quy định, mục đích ban đầu, nhất là trả nợ đúng hạn. Bởi có ràng buộc như vậy thì bà con mới quyết tâm, nỗ lực hơn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Là địa bàn khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, xã Quảng Trực đã thực hiện nhiều giải pháp về giảm nghèo linh động, phù hợp, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ đó, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể.
Để công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao thì cần chú trọng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên vùng, tăng cường kết nối với các địa phương, đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân. Địa phương kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; phát triển đa dạng các mô hình phù hợp với người nghèo để bà con yên tâm với sản xuất nông nghiệp và tăng giá trị sử dụng trên cùng một diện tích đất.
Nội dung: Nhóm P.V (bài viết có sử dụng một số hình ảnh tư liệu)
Trình bày: N.H