Đời sống

Nguồn lực để Đắk Nông giảm nghèo bền vững

Thanh Hằng 13/01/2024 07:02

Bên cạnh nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều địa phương đã linh hoạt trong cách triển khai, kêu gọi sự chung tay của xã hội để chăm lo cho người nghèo.

Huy động từ nguồn vốn chính sách

Là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình GNBV), huyện Tuy Đức đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng. Đường giao thông, công trình giáo dục, thiết chế văn hóa cùng nhiều công trình thủy lợi đã được bê tông hóa, phục vụ cho sản xuất của người dân.

giam-ngheo-cuoi-tuan-2.jpg
95% diện tích trồng lúa của xã Đắk R’tíh bảo đảm nước tưới nhờ được đầu tư hệ thống kênh dẫn nước từ nguồn vốn Chương trình GNBV

Theo chia sẻ của người dân bon Bu N’Đơr A, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức trước đây việc sản xuất lúa rất khó khăn do nguồn nước không bảo đảm. Năng suất bình quân khoảng 4-6 tấn/ha nên người dân chỉ sản xuất được một vụ/năm, thậm chí có hộ bỏ ruộng không canh tác.

Từ nguồn vốn Chương trình GNBV, xã Đắk R’tíh được đầu tư 4,5 tỷ đồng xây mới 1,5km kênh mương, nối cánh đồng bon Bu N’Đơr A và cánh đồng bon Bu Kóh. Hệ thống kênh mương được hoàn thiện, giúp nông dân chủ động được nước tưới để gieo trồng đúng thời vụ.

Chị Thị Ka Ra, xã Đắk R’tíh phấn khởi: “Có kênh dẫn nước, bà con không phải dùng máy bơm để đưa nước về ruộng. Những ngày này, cánh đồng bon Bu N’Đơr A rộn ràng bởi hàng chục hộ dân cùng nhau xuống đồng để bắt đầu vụ lúa mới”.

Xã Đắk R’tíh có gần 186 ha lúa nước, chiếm ½ diện tích trồng lúa của huyện Tuy Đức. Nhờ nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay địa phương này đã đầu tư 3km kênh mương nội đồng, giúp 95% diện tích trồng lúa của xã Đắk R’tíh bảo đảm nước tưới.

Ông Hoàng Ngọc Thức, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh chia sẻ: “Xã có hơn 60% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 43% là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Năm 2022 và 2023, xã được đầu tư nhiều công trình thiết yếu, qua đó từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Qua rà soát, cuối năm 2022, toàn xã còn 890 hộ nghèo, đến cuối năm 2023, xã chỉ còn hơn 500 hộ”.

giam-ngheo-cuoi-tuan-1.jpg
Nông dân xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức ra đồng chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân

Cùng với Chương trình GNBV, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN) đã mang đến “luồng gió mới” cho nhiều vùng quê Đắk Nông. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN, hộ nghèo, hộ sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn đã được tạo sinh kế. Thông qua các mô hình như trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, nuôi trâu, bò ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, nuôi dê ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô hoặc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhiều gia đình đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo thành công.

Đặc biệt, để người dân nông thôn có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề được quan tâm triển khai thực hiện gắn với nhu cầu của thị trường. Chỉ tính riêng trong năm 2023, số lao động được tạo việc làm là 18.200 người. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người, trong số này tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập sau đào tạo đạt 80-85%.

giam-ngheo-cuoi-tuan-3.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Tiên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ hộ nghèo xã Thuận Hà, huyện Đắk Song phát triển kinh tế

Chung tay vì người nghèo

Những ngày cuối năm 2023, anh Y Cường tất bật hoàn thiện căn nhà mới có diện tích gần 70m2 ở bon Choih, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô. Để làm được căn nhà này, ngoài số tiền 40 triệu đồng của Chương trình GNBV, anh Cường còn được UBND xã Đức Xuyên đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ cát xây dựng.

Theo UBND xã Đức Xuyên, mặc dù xã không có doanh nghiệp khai thác cát, nhưng địa phương đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân. Biết được chủ trương này, các doanh nghiệp khai thác cát rất ủng hộ và nhiệt tình hỗ trợ.

Theo đánh giá, đây là cách làm hay, vừa giúp người dân có một căn nhà kiên cố, vững chắc, vừa huy động được xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo. Chính nhờ cách làm này, trong giai đoạn 2022-2023, xã Đức Xuyên đã xây dựng được 18 căn nhà cho hộ nghèo từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa.

Ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên cho biết, để xây dựng nhà với chi phí thấp nhất, ngoài huy động doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu xây dựng, xã còn huy động thêm nhân công, hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình tự làm", nhiều căn nhà được xây có trị giá trên 100 triệu đồng, bảo đảm yêu cầu về diện tích và các tiêu chuẩn 3 cứng.

hinh-hoc-nghe-1-1-(1).jpg
Anh Đặng Văn Hai (bên phải) thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô học nghề sửa chữa máy nông nghiệp để phục vụ sản xuất của gia đình.

Cùng chung tay chăm lo, hỗ trợ người nghèo, tỉnh Đắk Nông xuất hiện và ghi nhận nhiều cá nhân đã có hành động thiết thực. Trong số này, có nhiều người tạo công ăn việc làm cho người nghèo để họ có việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) chia sẻ: “HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, đang tạo việc làm cho 6 lao động, trong đó có cả lao động thuộc diện hộ nghèo. Trong quá trình làm việc, chúng tôi mong muốn người lao động không chỉ có thu nhập mà còn được tiếp cận với cách sản xuất chuyên nghiệp để từ đó mở ra cơ hội để họ có thể tự lập, phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Nâng nguồn lực hỗ trợ người dân

Năm 2022 và 2023, tỉnh Đắk Nông được phân bổ gần 548 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN toàn giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.100 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Đắk Nông, quá trình triển khai, các chương trình đã đạt được những kết quả khả quan, tác động tích cực đến đời sống của hộ nghèo và tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số rào cản, vướng mắc khiến kết quả không như kỳ vọng.

Là địa phương có số lượng “hộ nghèo bền vững” lớn, tuy nhiên trong năm 2023, xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp chỉ xây mới được 4 căn nhà thuộc dự án cấp đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ nghèo của Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN. Một trong những nguyên nhân là người nghèo không có tiền đối ứng.

Theo cán bộ LĐTB-XH xã Hưng Bình, phần lớn hộ nghèo được hỗ trợ là hộ đồng bào dân tộc tại chỗ, thiếu tư liệu sản xuất và chưa có đất ở hợp pháp. Sau khi được hỗ trợ 40 triệu đồng, người dân chỉ sửa chữa lại căn nhà hiện hữu. Nhiều hộ dân cũng không muốn vay thêm tiền (dù được vay vốn ưu đãi) do lo ngại không có khả năng trả nợ.

giam-ngheo-cuoi-tuan-4.jpg
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong và UBND xã Quảng Khê tìm hiểu những khó khăn mà hộ nghèo đang gặp phải

Tương tự, Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS-MN cũng hỗ trợ mỗi hộ nghèo khoảng 22,5 triệu đồng để mua đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên, với số tiền này, hầu như hộ nghèo của xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong không thể mua được đất.

Bà Nguyễn Thị Dung, Công chức Văn hóa- Xã hội UBND xã Quảng Khê cho biết thêm: “Với mức hỗ trợ hiện tại, hộ nghèo rất khó để mua đất ở, đất sản xuất. Trước thực tế này, địa phương đã vận động người thân (bố mẹ, anh em) cho, tặng lại đất, sau đó sử dụng số tiền hỗ trợ từ dự án để hoàn thiện các thủ tục đăng ký đất đai. Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất ít vì phần lớn hộ nghèo đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có đất ở, đất sản xuất”.

Để giải quyết những tồn tại trong công tác giảm nghèo, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hồi tháng 10/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND, tỉnh Đắk Nông sẽ hỗ trợ thêm 30 triệu đồng/hộ (ngoài số tiền 40 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng ĐBDTTSMN) để xây dựng căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng.

Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào tháng 12/2023, tỉnh Đắk Nông đã thông qua Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND quy định hỗ trợ sử dụng ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh Đắk Nông chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ tác động trực tiếp tới công tác giảm nghèo của tỉnh. Hy vọng rằng, khi nghị quyết được triển khai, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ đạt kết quả cao nhất, qua đó thực hiện hiệu quả chỉ tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đề ra.

Thanh Hằng