Gia Lai: Cảnh báo trẻ em tử vong do ăn thịt cóc
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 16:59, 12/01/2024
Theo đó, sáng 11/1, em S.N (sinh năm 2013) và 2 em là S.T (sinh năm 2018) và S.H (sinh năm 2020) (trú tại thôn Tào Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) chế biến thịt và trứng cóc ăn. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, người nhà phát hiện 3 em nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chư Sê.
Lúc vào viện 12 giờ cùng ngày, em S.N đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn tối đa, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Sau 30 phút hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân tử vong, chẩn đoán do ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp ngoại viện do ngộ độc thịt cóc. Bác sĩ giải thích tình trạng cho người nhà và người nhà xin đưa về.
Đối với 2 em SH và ST, sau khi xử lý cấp cứu ban đầu, tình trạng bệnh nhi nặng, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê đã chuyển cả 2 lên Bệnh viện Nhi Gia Lai để cấp cứu và điều trị. Riêng em S.H tử vong trước khi đến viện. Em S.T hiện đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai).
Trước đó, vào ngày 11/10/2023, trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đã xảy ra 3 ca ngộ độc trứng cóc đều là trẻ em. Ba em nhỏ bị ngộ độc trú tại làng Tai Pêr (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) gồm: Kpuih Ước (sinh năm 2016); Kpuih Run (sinh năm 2011) và Kpuih Suin (sinh năm 2014). Ba trẻ tự làm thịt cóc ăn sau đó lần lượt vào viện với các triệu chứng đau bụng, nôn ói nhiều, mệt, nhịp tim không đều…
Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết: Chất độc trong cóc là hợp chất bufotoxin có ở nhựa cóc (tiết ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da) và nội tạng gan, trứng. Trong nhựa cóc và nội tạng gan, trứng chứa lượng độc tố rất cao. Độc tố trong cóc không bị nhiệt phân hủy. Chỉ phần thịt cóc (cơ cóc) không có chất độc.
Theo bà Trang, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả da, gan và trứng cóc; không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố lẫn vào thịt cóc nên khi ăn bị nhiễm độc tố gây ngộ độc.
Trung bình 1-2 giờ sau khi ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố, người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn, nôn ói, chướng bụng trên và đau bụng, hồi hộp, tim đập nhanh sau đó rối loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt thấp. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị ảo giác, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và dẫn đến tử vong nếu không phát hiện cấp cứu kịp thời.
“Cách xử trí khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc là gây nôn chủ động và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngộ độc thịt cóc thì an toàn nhất vẫn là không ăn thịt cóc”, bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang khuyến cáo.