Căn cứ nào thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?
Chính sách - Ngày đăng : 16:21, 12/01/2024
Theo đó, cơ quan cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã cấp.
Căn cứ thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Theo Thông tư, cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi thực hiện thanh tra, kiểm tra hoặc thu hồi theo đề nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra khi phát hiện cơ sở không đủ các điều kiện sau:
1- Không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất quy định tại Điều 19, 20, 21, 22, 25, 26, 27, 28, 29, 30 Luật an toàn thực phẩm 2010; các quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm 2010 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2- Không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư nêu rõ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở theo mẫu.
Thông tư 31/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuậtphục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.