An sinh - Cuộc sống

Đắk Nông bước tiến dài trên lộ trình giảm nghèo

Hồ Đức Diệu 12/01/2024 05:20

Với xuất phát điểm thấp, nhưng Đắk Nông đang là điểm sáng về công tác giảm nghèo với nhiều cách làm hay và những kết quả ấn tượng.

Từ xuất phát điểm thấp

Khi cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (2015) để làm tiêu chí đánh giá tình trạng đói nghèo, đa phần người nghèo Đắk Nông vẫn chưa thoát khỏi cái đói. Tình trạng thiếu đói giáp hạt, không có điều kiện tiếp cận các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản vẫn đang phổ biến. Chưa kể, với một tỉnh có đông đồng bào di cư tự do, gánh nặng đói nghèo trong những năm đầu tái lập tỉnh phát sinh khá lớn. Nỗ lực giảm nghèo đã gặp trở ngại từ việc phát sinh các hộ nghèo di cư tự do.

ken-tam(1).jpg
Trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân huyện Đắk Glong

Ngoài phát sinh tỷ lệ hộ nghèo cơ học, di cư tự do trong những năm đầu tái lập đã phát sinh thêm nhiều nhu cầu về đầu tư hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, an sinh xã hội, thông tin… Vì vậy, khi cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, Đắk Nông có xuất phát điểm rất thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

Nếu trước đó, việc đánh giá tiêu chí nghèo chỉ dựa vào thu nhập bình quân đầu người, mức sống người dân thì khi chuẩn nghèo đa chiều được áp dụng, không chỉ mức thu nhập bình quân tăng lên mà hàng loạt tiêu chí khác cũng được áp dụng.

Một tỉnh miền núi với địa hình chia cắt, dân cư bố trí rải rác, việc đáp ứng tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin đối với Đắk Nông là rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao đột biến khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm tiêu chí đánh giá.

Với tinh thần cầu thị, quyết tâm cao, Đắk Nông xác định phải đi sau, về trước ở một số nhiệm vụ, từ đây đưa ra quyết tâm cao hơn cho công tác giảm nghèo.

12 chỉ số đo lường trong tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin (theo Nghị định số 07/2021/CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).

Đến điểm sáng giảm nghèo

Bám sát lộ trình giảm nghèo của cả nước, từ chỗ dựa dẫm hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước để triển khai giảm nghèo, Đắk Nông lan tỏa tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể nhằm thay đổi mạnh mẽ tư duy nhận thức, hành động trong công cuộc chống đói nghèo.

Các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, chỉ tiêu, kế hoạch của UBND tỉnh về giảm nghèo đã được ban hành, tạo sự nhất quán, đồng bộ trong nhận thức và hành động, hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, đoàn thể và toàn dân chung sức đẩy lùi đói nghèo. Từ một tỉnh nghèo trong những năm đầu tái lập, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển và đang đặt mục tiêu trở thành tỉnh trung bình khá của vùng Tây Nguyên vào năm 2025.

Tại đợt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 11,19%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 7,97% (giảm 3,22% so với năm 2021). Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.

Đến tháng 12/2023, hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm xuống còn hơn 5,1%; hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 13,2%, riêng trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 16%. Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu về giảm nghèo chung, nhưng năm 2023, Đắk Nông trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc tại chỗ giảm cao nhất khu vực Tây Nguyên với 8,1% (kế hoạch 5%).

Không chỉ duy trì đà giảm hộ nghèo ấn tượng, Đắk Nông cũng được Trung ương đánh giá cao về cách thức, hình thức triển khai giải pháp giảm nghèo. Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá hộ nghèo, ngoài việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, cận nghèo, Đắk Nông tập trung xóa các “vùng lõm” về tiếp cận văn hóa, thông tin, chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật bằng việc linh hoạt lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Về cách thức, từ “cho không, biếu không”, những năm gần đây, Đắk Nông tập trung tạo sinh kế để hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững. Từ đây, Đắk Nông còn được biết đến với nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế như kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với buôn, bon; mô hình “2 kèm 1” hay “5 kèm 1”; các tổ vay vốn phát triển kinh tế; thành lập các tổ, nhóm đồng sở thích, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế ở các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể…

Từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn, công tác xóa đói giảm nghèo được Đắk Nông triển khai đồng bộ, rộng khắp với hiệu ứng lan tỏa lớn.

Bền bỉ và lâu dài

Mặc dù đạt được những kết quả to lớn trên mặt trận xóa đói nghèo, nhưng Đắk Nông xác định đây là nhiệm vụ cần sự bền bỉ và lâu dài.

Trong điều kiện một tỉnh còn khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, Đắk Nông xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao đời sống người dân.

Trước thực tế về khoảng cách giàu, nghèo giữa các khu vực, vùng miền ngày càng lớn. Cơ hội tiếp cận khoa học, tri thức, dịch vụ xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa thấp hơn nhiều so với các vùng có lợi thế đang là những thách thức lớn trong công tác giảm nghèo ở Đắk Nông. Chưa kể, các tiêu chí để đánh giá đói nghèo ngày càng nâng cao hơn để bắt kịp xu thế phát triển; cùng với đó là những rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai… ảnh hưởng đến một bộ phận người dân yếu thế đang là nguy cơ lớn trong xu hướng tái nghèo đã được các chuyên gia khuyến cáo.

Giảm nghèo bền vững đang đặt ra yêu cầu không chỉ giải quyết về vấn đề miếng cơm, manh áo (tiêu chí thu nhập) mà còn phải đáp ứng đồng bộ các nhu cầu về tiếp cận văn hóa, tri thức, công nghệ… của người dân ở những mức chuẩn nhất định tùy từng giai đoạn. Bởi vậy, công cuộc giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên không chỉ với Đắk Nông hay cả nước mà kể cả các nước phát triển.

Trên cơ sở kết quả đạt được, cùng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đắk Nông tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới cao hơn, bền vững hơn trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đại bộ phận Nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Tiêu chí về thu nhập: khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ): việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Hồ Đức Diệu