Kinh tế

Giá trị sản xuất nông nghiệp Đắk Nông đạt 103 triệu đồng/ha

Trần Thoan 11/01/2024 06:45

Người dân Đắk Nông ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, tạo uy tín cho sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Pho, thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) hiện có hơn 2ha đất trồng trọt. Vườn của ông canh tác hai loại cây trồng chính là sầu riêng, cà phê, với bộ giống mới đạt năng suất cao.

Theo ông Pho, thu nhập hàng năm của gia đình đạt mức 500 triệu đồng chưa trừ chi phí. Trong đó, thu nhập từ sầu riêng khoảng 350 triệu đồng, còn lại là cà phê. Giá trị sản xuất của gia đình những năm gần đây có tăng lên là do các yếu tố như phòng, chống sâu bệnh tốt; canh tác khoa học.

dsc_0742.jpg
Gia đình ông Nguyễn Văn Pho, thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) hiện có hơn 2ha đất trồng trọt theo quy trình Viet GAP

Trước đây, gia đình ông Pho có tâm lý lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nên chất lượng sản phẩm không cao, chi phí lớn, đất đai dễ cằn cỗi. Hiện nay, ông áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, nên vườn cây ít bệnh, chất lượng sản phẩm tốt.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, việc nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác của người dân địa phương đột phá chủ yếu ở khâu giống vật nuôi, cây trồng.

Đến nay, toàn huyện đã trồng mới và ghép cải tạo được gần 3.000ha cà phê. Hầu hết các giống cà phê được chọn tái canh đều được Bộ NN-PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như TR4, TR9, TRS1, cà phê dây. Năng suất của các vườn cà phê tái canh đạt trung bình 4 - 5 tấn/ha, cao hơn giống cũ khoảng 1-2 tấn/ha.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Thuận An, với diện tích 335ha. Bộ NN-PTNT chọn cà phê Đắk Mil là mô hình thí điểm sản xuất cà phê đặc sản trong cả nước.

dsc_0328.jpg
Người trồng cà phê Đắk Mil (Đắk Nông) ngày càng có thu nhập cao hơn trên cùng diện tích

Ông Hoàng nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để tạo giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích. Do đó, người sản xuất phải tiếp tục đầu tư về kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ, đặc biệt công nghệ chế biến gắn chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, thu nhập bình quân trên cùng một diện tích canh tác của Đắk Nông tăng mạnh, từ 13 triệu đồng năm 2004 lên 103 triệu đồng năm 2023. Điều này có được là nhờ sự nỗ lực lớn của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước nhằm tận dụng tốt thị trường.

dsc_0161.jpg
Thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp của Đắk Nông đạt 103 triệu đồng năm 2023

Đắk Nông có 2.543ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tỉnh định hình phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng. Năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh được cải thiện đáng kể và dần khẳng định vị thế trên thị trường. Điển hình như với các chuỗi về cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...

Để tiếp tục tăng giá trị trên 1ha đất canh tác, tỉnh tiếp tục các giải pháp về ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Từ đó, tỉnh xây dựng các mã vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, kêu gọi các doanh nghiệp lớn liên kết bao tiêu, chế biến sản phẩm.

Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, gắn với thị trường.

Trần Thoan