Đắk Nông phòng trừ sâu hại cho vụ đông xuân
Vụ đông xuân này dự báo thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ cây trồng.
Vụ đông xuân 2023-2024, Đắk Nông phấn đấu gieo trồng trên 10.096ha cây trồng ngắn ngày các loại. Trong đó, lúa 5.104,5ha; bắp 2.166,6ha; rau các loại 1.926,4ha; khoai lang 899,2ha.
Qua đánh giá của ngành chức năng, trong những ngày qua, thời tiết đầu vụ đông xuân thuận lợi, người dân tranh thủ xuống giống, chăm sóc và cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.
Tuy nhiên, trong những tháng tới, dự báo thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài, nguy cơ sâu bệnh hại sẽ phát sinh. Do đó, người dân cần đề phòng, cảnh giác cao. Trước mắt, bà con cần sử dụng các loại giống ngắn ngày, kháng sâu bệnh tốt để gieo trồng.
Gia đình ông Long Văn Nghiêm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, vụ đông xuân này gieo trồng trên 3 sào lúa nước. Theo ông Nghiêm, mới bước vào đầu vụ nhưng trên các cánh đồng đã xuất hiện một số loại sinh vật gây hại rải rác. Phổ biến là các loại bọ trĩ, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, đặc biệt trên các giống nhiễm rầy.
Ông Nghiêm cho biết: “Giai đoạn cao điểm nắng nóng trong vụ, các loại sâu hại như rầy nâu, bọ trĩ trên cây lúa sẽ phát triển mạnh hơn. Do đó, tôi đã luôn cảnh giác phòng trừ để hạn chế sâu bệnh phát sinh”.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thu, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, vụ này xuống giống hơn 2ha bắp. Theo chị Thu, trước thông tin dự báo mùa vụ này khả năng nền nhiệt độ trong vùng sẽ gia tăng, bà đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, xuống giống sớm để né tránh khô hạn và sâu bệnh phát sinh.
Theo bà Thu, trong vài năm trở lại đây, nông dân trồng bắp luôn gặp khó khăn với đối tượng sâu keo mùa thu. Loại sâu hại này thường gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bắp. Những ruộng bắp phòng trừ sâu keo không hiệu quả sẽ thiệt hại nặng.
Thời tiết nắng nóng, khô hạn là điều kiện thuận lợi cho nhện đỏ, rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh trên cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Nhện đỏ, rệp sáp chích hút trên lá, trái non sẽ làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, để phòng trừ sâu hại trong thời tiết nắng nóng đạt hiệu quả, các địa phương cần vận động nông dân thay đổi cơ cấu giống lúa, hoa màu để hạn chế nguồn bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng.
Đồng thời, các ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn và nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng. Đặc biệt là sử dụng giống chống chịu sâu bệnh kết hợp với các biện pháp tổng hợp để trồng cây khỏe, sử dụng hợp lý, cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngay từ đầu vụ, các địa phương và ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các chương trình đến với nông dân như: Quy trình “3 giảm – 3 tăng” (ICM) trên cây lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng… Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đã phân công, tổ chức theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch hại trên cây trồng để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý.
Đặt biệt Sở NN-PTNT chú ý một số sâu bệnh hại trên cây ngắn ngày như: bệnh đạo ôn, khô vằn, bọ trĩ, sâu cuốn lá trên lúa; bệnh khô vằn, sâu keo mùa thu trên ngô; bệnh héo rũ, lở cổ rễ trên các loại đậu… để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.