TP. Hồ Chí Minh: Giá gạo ST24, ST25 đột ngột tăng mạnh
Một tuần trở lại đây, giá các loại gạo ở TP. Hồ Chí Minh bất ngờ tăng mạnh, trong đó gạo ST24 và ST25 tăng tới 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Gạo ST25 liên tục tăng trong 1 tuần qua
Một tuần nay, cửa hàng gạo bán lẻ Ngọc Tuấn (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) liên tục nhận thông báo tăng giá các loại gạo từ vựa cung cấp. Chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng Ngọc Tuấn cho biết, so với cuối tháng 12/2023, giá các loại gạo đã tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, trong đó hai loại gạo ST24 và ST25 tăng nhiều nhất với mức 5.000 đồng/kg. “Vì giá tăng cao nên 1 tuần này chúng tôi không dám nhập hàng mà chủ yếu bán gạo dự trữ nên vẫn giữ giá cũ. Không rõ giá gạo có còn tăng thêm không”- chị Ngọc lo lắng.
Tại khu vực TP. Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Triệu - chủ cửa hàng gạo Bình Triệu (TP. Thủ Đức)- cho biết, mấy năm gần đây gạo ST25 là sản phẩm chủ lực ở phân khúc gạo thơm cao cấp mùa Tết nhưng năm nay giá nguyên liệu tăng mạnh. “Hiện giá gạo ST25 đã lên 27.000 - 28.000 đồng/kg”- ông Triệu cho biết thêm.
Gạo ST25 liên tục tăng trong 1 tuần qua |
Tương tự, chủ vựa gạo Yến Phượng ở chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5) cũng cho biết, hiện giá các loại gạo thường nhích nhẹ 1.000 đồng/kg so với tháng trước, riêng các loại gạo ST đặc biệt là ST25 tăng mạnh khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg...
Theo chủ cửa hàng này, hàng xấu nhất hiện đạt mức 24.000 đồng/kg còn cao nhất lên đến 30.000 đồng/kg.
Khi được hỏi nguyên nhân giá gạo đột ngột tăng, các cửa hàng gạo cho biết, có thể do vụ mới chưa thu hoạch, còn với gạo ST25 là do loại gạo này vừa mới thắng giải "Gạo ngon nhất thế giới".
Còn theo các doanh nghiệp cung cấp gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc giá gạo ST tăng mạnh là do nguồn cung hạn chế. Hiện chỉ có một số ít diện tích lúa tôm ở các tỉnh ven biển miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… còn gạo.
Ngoài ra, đối với gạo ST25, do gần đây loại gạo này đã lần thứ 2 thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới” nên tâm lý của nhiều người Việt Nam là muốn mua gạo này làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, cầu vượt cung nên giá tăng mạnh.
Gạo bình ổn cam kết giữ ổn định
Lường trước yếu tố tăng giá của thị trường gạo, từ cuối tháng 10/2023 Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã vận động các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thực hiện cam kết bình ổn giá gạo; đồng thời thực hiện liên kết với các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn cung gạo cung cấp cho thị trường.
“Tham gia bình ổn thị trường gạo cho TP. Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đều đã có sẵn nguồn hàng và khẳng định cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống với giá hợp lý, đảm bảo không tăng”- đại diện của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Đại diện nhà cung cấp có lượng gạo bình ổn lớn là Saigon Co.op thông tin, Saigon Co.op thực hiện bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng dịp Tết 2024. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng đảm bảo giá phù hợp.
Theo vị này, Saigon Co.op vẫn chủ trương chính sách giữ giá để chia sẻ áp lực chi tiêu cuối năm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, không chỉ thực hiện bình ổn giá gạo, nhà bán lẻ này còn cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện các hoạt động giảm giá luân phiên, trong đó có mặt hàng gạo để chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng.
Được biết, gạo bình ổn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn giữ giá so với năm 2023. Cụ thể, gạo trắng thường ở mức 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo jasmine từ 17.000 - 19.000 đồng/kg; gạo Vinh Hiển Đỗ Quyên 18.000 đồng/kg.
Thùy Dương