Kinh tế

Nông dân Đắk Nông và nhu cầu được đào tạo nghề

Thanh Nga 09/01/2024 06:00

Các cấp hội nông dân (HND) Đắk Nông đang rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn.

Chú trọng công tác đào tạo nghề

HND tỉnh Đắk Nông có trên 62.110 hội viên. Giai đoạn 2018-2023, các cấp HND của Đắk Nông đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân đạt 125% kế hoạch đề ra. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức 11 lớp dạy nghề về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y... cho 381 hội viên, nông dân.

HND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức 218 lớp dạy nghề cho 7.400 lượt hội viên, nông dân với các nghề như: chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, chế biến các loại nông sản... Sau các lớp dạy nghề, các học viên đã được cấp chứng chỉ và sử dụng có hiệu quả ngành, nghề đã học vào hoạt động sản xuất.

img_0030(1).jpg
Nông dân xã Đắk R'moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được hỗ trợ giống thỏ và kỹ thuật nuôi để phát triển kinh tế

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch HND tỉnh Đắk Nông đánh giá: Các cấp hội chú trọng công tác dạy nghề, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Nông dân được đào tạo nghề đã giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cần tăng cường đào tạo nghề theo nhu cầu

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, nhu cầu được học nghề của nông dân khá cao, nhất là những ngành nghề gần gũi, sát với thực tế lao động sản xuất và nhu cầu tại địa phương. Bên cạnh đó, những nghề mới để người dân có thể áp dụng các phương pháp, thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cũng cần từng bước đưa vào đào tạo cho nông dân.

Ngoài ra, trong xu thế hội nhập và đô thị hóa ngày càng cao, đất đai sản xuất nông nghiệp thu hẹp nên một số nông dân chuyển đổi nghề sang làm công nhân. Những hộ có điều kiện kinh tế khá lại có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh...

img_0022(1).jpg
Nông dân huyện Đắk Song (Đắk Nông) đầu tư chế biến mắc ca để nâng cao hiệu quả

Xuất phát từ thực tế này, nhiều nông dân mong muốn được hỗ trợ, đào tạo nghề và hướng dẫn cách làm cho phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Và đây thực sự là “khoảng trống” chưa được các cấp, các ngành lấp đầy. Do đó, đào tạo nghề cho nông dân cần có sự đổi mới để mang lại hiệu quả cao.
Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch HND huyện Tuy Đức chia sẻ: Hiện nay, đào tạo nghề cần theo nhu cầu của nông dân. Chẳng hạn như nhiều nông dân Tuy Đức đang cần được đào tạo nghề về sửa chữa máy móc nông nghiệp, xe máy, ô tô, lái xe ô tô… để chuyển đổi ngành nghề.

Thế nhưng, ở địa phương chưa đáp ứng được vì không có chỉ tiêu hoặc không đủ cơ sở để đào tạo nghề. Trong khi đó, những nghề khác có chỉ tiêu đào tạo thì nông dân không có nhu cầu học. Những năm qua, chúng tôi đã có ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết.

img_0043(1).jpg
Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch HND huyện Tuy Đức chia sẻ: Hiện nay, đào tạo nghề cần theo nhu cầu của nông dân

Thực tế, tại các huyện, thành phố, việc đào tạo nghề cho nông dân cũng đang diễn ra như ở Tuy Đức. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân còn những hạn chế, quy mô nhỏ, thiếu chủ động. Các cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho HND tổ chức đào tạo nghề, các hoạt động dịch vụ, tư vấn cho nông dân.

Hiện nay, tỷ lệ đào tạo nghề cho hội viên nông dân ở mức dưới 85%. HND tỉnh phấn đấu đến năm 2028 có 85% hội viên nông dân được đào tạo, bồi dưỡng nghề, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch HND tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong năm 2024, HND tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, HND tổ chức tập huấn kỹ thuật chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp và kỹ thuật sản xuất, xây dựng vùng sản xuất đáp ứng các quy định về mã vùng trồng, các quy trình thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất.

HND tỉnh cùng với các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin về thị trường lao động, rà soát nhu cầu đào tạo nghề của nông dân để tổ chức dạy nghề phù hợp, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thanh Nga