Kinh tế

Hệ thống bán lẻ của Đắk Nông vào mùa Tết

Lê Thị Dung 08/01/2024 07:00

Các kênh bán lẻ tại Đắk Nông đã bắt đầu nhộn nhịp hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng.

Hỗ trợ người tiêu dùng

Siêu thị Co.opMart Đắk Nông năm nay đặt ra kế hoạch dự trữ hàng hóa tết trong 59 ngày (từ 13/12/2023-9/2/2024), với tổng vốn đầu tư là 34,5 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

sieu-thi-tet-1(1).jpg
Co.opMart Đắk Nông đầu tư 34,5 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Cộng với lượng hàng hóa tồn kho vào khoảng 10 tỷ đồng, đơn vị cam kết bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người dân trong dịp tết. Các mặt hàng được siêu thị tập trung nhập về bao gồm: thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc và đồ dùng gia đình…

Giám đốc Co.opMart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho biết, so với năm trước, năm nay giá thành các mặt hàng có nhích hơn 5%. Tuy nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng, đơn vị đã chọn ra 10.000 mặt hàng để giảm giá từ 20-40%, chủ yếu là hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng thuận tiện mua sắm. Các mặt hàng được đơn vị chạy các chương trình khuyến mãi theo từng lộ trình.

Cụ thể, trước tết khoảng 1 tháng, đơn vị sẽ giảm giá các mặt hàng về chế biến, may mặc, đồ dùng. Trước tết 3 tuần sẽ giảm giá cho nhóm hàng thời trang may mặc. Trước tết 2 tuần sẽ giảm cho nhóm hàng vệ sinh nhà cửa. Tuần cuối sẽ tập trung giảm giá cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống… Hoạt động này của Co.opMart Đắk Nông nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh mua sắm tết một cách thiết thực nhất.

sieu-thi-tet(1).jpg
Hàng hóa phong phú thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Vũ Mai ở TP. Gia Nghĩa chia sẻ, ngay từ giữa tháng 11/2023, các mặt hàng phục vụ tết năm 2024 đã lên kệ nhiều hệ thống bán lẻ, kèm theo chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Ngoài ra, nhà sản xuất, bán lẻ chạy chiến lược quảng bá sản phẩm thương hiệu đã giúp người dân nhận biết nhãn hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Việc làm này còn góp phần đẩy lùi hàng kém chất lượng trên thị trường, nhất là giai đoạn mua sắm cao điểm như lễ, tết.

Đa dạng kênh mua sắm tết

Theo Sở Công thương, năm nay, các doanh nghiệp của Đắk Nông tiếp tục chủ động phương án kinh doanh, bố trí trên 300 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết.

Đến nay, các nhà phân phối lớn của tỉnh đã bố trí khoảng 130 tỷ đồng để trữ hàng tết. Khu phức hợp thương mại và dịch vụ Tất Thắng (Cư Jút) đã đầu tư số vốn 750 triệu đồng để dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bao gồm: bánh kẹo; bia, nước giải khát; hàng gia dụng và hóa mỹ phẩm. Cửa hàng kinh doanh Hoàng Hảo (Gia Nghĩa) đã bố trí 3 tỷ đồng để dự trữ khoảng 4.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm và đồ dùng gia đình…

hoi-cho.jpg
Ngành Công thương Đắk Nông phối hợp tổ chức các hội chợ mua sắm hàng hóa phục vụ tết cho người dân

Ngoài ra, 9 điểm tự hào hàng Việt Nam và 3 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa phục vụ tết. 20 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách hóa xanh đã bố trí 100 tỷ đồng để dự trữ khoảng 6.000 mặt hàng thiết yếu…

Cùng với đó, trong năm 2023, Sở Công thương Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 2 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng tại các huyện Krông Nô, Đắk Glong; 2 điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Đắk Song, Tuy Đức.

Đơn vị đã phối hợp với Co.opMart Đắk Nông tổ chức các đợt bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa. Hàng hóa tham gia bán hàng lưu động là các mặt hàng thiết yếu, giá cả hợp lý, kèm theo các chương trình khuyến mại, giảm giá đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngành Công Thương đã tiếp nhận hơn 200 chương trình khuyến mại của gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng phục vụ trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Lê Thị Dung