Thuế - Tài chính

Giải ngân đầu tư công - Đắk Nông lên “dây cót” từ đầu năm

Nguyễn Lương 07/01/2024 18:38

Năm 2024, kế hoạch tổng nguồn vốn đầu tư phát triển tại Đắk Nông là 3.000 tỷ đồng và tỉnh sớm lên "dây cót" để thực hiện mục tiêu này.

Tháo gỡ kịp thời khó khăn

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông, xác định đầu tư công là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GRDP, ngay từ đầu năm, tỉnh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn được giao. Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách năm 2024.

“Trên cơ sở phân bổ vốn, chúng tôi phối hợp với các chủ đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc triển khai ký hợp đồng các dự án khởi công mới đã bố trí vốn đầu năm 2024 cũng đẩy nhanh thủ tục. Tất cả đều được chủ động ngay từ đầu năm, nhằm bảo đảm tiến độ tốt nhất”, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho biết.

z5034729192949_39e3d1c69cf3adfc292e665f3ca88d95(1).jpg
Nhiều hạng mục dự án được chủ đầu tư đẩy mạnh thi công từ đầu năm

Tại Đắk R’lấp, thủ tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư được địa phương thực hiện thông suốt. Ngay từ cuối năm 2023, địa phương vừa dồn nguồn lực giải ngân 2023, vừa hoàn thiện thủ tục bước vào mùa giải ngân 2024.

Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ cho biết, đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương luôn tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Trên cơ sở nguồn vốn 2024 được giao, huyện đã rà soát, phân bổ từng công trình, dự án cụ thể. Địa phương tổng hợp những vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ.

“Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh, đối với những công trình, dự án trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, những mỏ đất đắp không nằm trong quy hoạch bô xít mà đã được phê duyệt trong dự án, tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện. Bởi thực tế, việc thay đổi mỏ vật liệu sẽ đội chi phí đầu tư rất lớn. Chưa kể, công tác giải phóng mặt bằng, cấp quyền khai thác”, ông Tứ chia sẻ.

Theo ông Tứ, như năm 2023, trên địa bàn có 2 dự án giao thông tiến độ giải ngân rất chậm, với tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ. Nguyên nhân là do thiếu nguyên vật liệu san lấp. Do chậm tiến độ nên địa phương đã xin điều chuyển vốn.

z4836446719746_a55c7778331f4f545d05358cd4afc7c3-1-1-.jpeg
Nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Hiện nay, chỉ có 5/8 huyện tại Đắk Nông vướng quy hoạch bô xít. Các địa phương còn lại ít vướng hơn. Do vậy, nếu vấn đề trên được giải quyết, quan tâm tháo gỡ kịp thời, kế hoạch về đầu tư công sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông Nguyễn Ngọc Thạch cho hay: “Hiện nay, đối với chương trình này, về phần địa phương đã tháo gỡ cơ bản được những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, năm 2024, đề nghị các huyện tập trung xác định vào nhu cầu thực tế để triển khai. Mỗi địa phương rà soát, xác định lại nhiệm vụ, kế hoạch để chủ động thực hiện”.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Đắk Nông trên 3.000 tỷ đồng, giảm 980 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là hơn 1.419 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.580 tỷ đồng.

Sớm bắt tay vào việc

Về giải ngân vốn đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng Phan Nhật Thanh thông tin, năm 2024, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh chủ động ban hành quyết định phân cấp thẩm quyền thẩm định giao cho các huyện theo cấp độ dự án, công trình.

“Các huyện, thành phố xem lại năng lực của các đơn vị làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án để nâng cao hiệu quả ngay từ khâu ban đầu”, ông Thanh đề xuất.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến, hiện nay, các huyện không còn lý do gì phải nói nữa. Vì vướng mắc về giải ngân vốn đã được tháo gỡ. Đối với việc phân cấp, các sở, ngành chủ động phân cấp ngay từ đầu năm.

ban-sao-z4836446753483_261657ca79f93ef64749d62b791cf822-2-.jpg
Đầu tư công giải ngân đạt cao sẽ góp phần rất lớn trong tăng trưởng GRDP

“Hiện giờ không còn vấn đề gì để các địa phương viện cớ nữa. Điều quan trọng nhất là chúng ta bắt tay vào làm và làm thôi”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2023, giao chỉ tiêu, kế hoạch 2024 diễn ra ngày 15/12/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, 2024 vẫn còn là năm đầy khó khăn, thách thức. Đây cũng là năm có tính chất quyết định cho cả giai đoạn 2020-2025.

“Tất cả các chỉ tiêu cụ thể phải được thực hiện nghiêm túc ngay từ bây giờ. Chúng ta không có khái niệm “xả hơi” nữa, mà bắt tay vào làm ngay”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công nói chung, 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng, các đơn vị chọn tư vấn, thiết kế có chất lượng. Các sở, ngành hỗ trợ, tích cực thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư.

Trong năm 2023, có những thời điểm, giải ngân vốn đầu tư vướng đủ thứ. Trong đó, một số lãnh đạo, đơn vị còn vướng trong cách nghĩ, cách làm. Riêng vấn đề này, trong năm 2024 phải khắc phục ngay.

“Bây giờ, các cơ chế vướng mắc đã thông thoáng rồi, đừng chủ quan nữa. Sở chuyên ngành có ngay văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện. Các sở, ngành, địa phương cùng quyết tâm, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nhiệm vụ của mình”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, riêng nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia từ 2022 chuyển qua, không chấp nhận đến 2024 giải ngân. Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy mạnh thanh, kiểm tra các công trình, dự án.

Nguyễn Lương