Chính trị

Sử dụng quỹ nhuận bút đúng, đủ tạo ra nguồn lực cho phát triển cơ quan báo

Kỷ Yếu Báo Đắk Nông 04/01/2024 14:38

Những năm trước, có một thời gian dài, “câu chuyện” nhuận bút được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, luôn nhắc đến trên các diễn đàn. Khi ấy, việc tính, trả nhuận bút cho tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí với giá trị thấp và cũng không giống nhau...

banner-4.jpg

Những năm trước, có một thời gian dài, “câu chuyện” nhuận bút được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, luôn nhắc đến trên các diễn đàn.

Khi ấy, việc tính, trả nhuận bút cho tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí với giá trị thấp và cũng không giống nhau. Ở các báo Trung ương, hoặc các báo có nguồn thu lớn thì nhuận bút kha khá. Còn các báo có nguồn thu nhỏ như các báo Đảng bộ tỉnh thì nhuận bút rất thấp, không tương xứng với công sức của tác giả. Có người đã so sánh: Đi cơ sở lấy tư liệu, đầu tư trí óc viết một bài báo hết cả tuần, mà nhuận bút chỉ bằng một ngày công của một anh thợ hồ.

Thực trạng này dẫn đến hệ lụy là không khuyến khích được phóng viên, cộng tác viên sáng tạo tác phẩm báo chí, tòa soạn luôn trong tình trạng thiếu tác phẩm báo chí cho định kỳ xuất bản. Cũng vì vậy mà người làm báo không có điều kiện để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ; không đầu tư công sức để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng cao.


Ngày 11/6/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2002/ND-CP về chế độ nhuận bút; theo đó, trong số 15 loại hình tác phẩm hưởng chế độ nhuận bút có loại hình tác phẩm báo chí. Tiếp đó, các bộ, ban Trung ương cũng ban hành những thông tư, hướng dẫn thực hiện. Nội dung những văn bản này làm nức lòng người làm báo vì ai cũng tin rằng tinh thần Nghị định sẽ sớm được triển khai thực hiện và tình hình nhuận bút sẽ được cải thiện, để những người làm báo có đời sống vật chất ổn định, đầu tư nhiều trí tuệ cho công việc.

Thế nhưng thực tế thì … không như mong đợi. Thời điểm đó, điều kiện thông tin chưa được như bây giờ, nên nhiều người trong đó có tôi chỉ được nghe là có Nghị định 61 thôi, chứ không được tiếp cận toàn bộ nội dung Nghị định. Tại các cuộc hội thảo báo chí, lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí cứ dò hỏi nhau, Báo của bạn đã thực hiện 61 chưa? Cách làm thế nào? Thu nhập của phóng viên ra sao? Câu trả lơi chỉ là chưa hoặc khó v.v.. Với Báo Đắk Nông, mấy năm đầu khi thành lập cũng trong tình trạng chung như vậy.

Cuối năm 2006, khi tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, tôi đăng ký viết tiểu luận về quản lý báo in. Được giáo viên hướng dẫn chấp thuận, tôi đi tìm các tài liệu thì may sao có anh bạn đồng ngiệp ở báo tỉnh bạn cho mượn một tập tài liệu phô tô cóp pi các văn bản của Nhà nước về quản lý báo chí do Bộ Văn hóa Thông tin biên soạn phục vụ cho các lớp bồi dưỡng thi nâng ngạch. Trong tập tài liệu này có toàn văn Nghị định 61/2002/NĐ-CP và Hướng dẫn 389 HD/TCQT ngày 21/6/2004 của Ban Tài chính Quản trị Trung ương về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng quỹ nhuận bút. Thật tình thì đến thời điểm đó, tôi mới có được toàn văn những tài liệu này nên đã đọc đi đọc lại nhiều lần và nghĩ rằng, nếu Nghị định 61 được thực hiện sẽ mở ra rất nhiều điều kiện cho cơ quan báo phát triển.. Tôi đưa 2 văn bản quan trọng đó cho Tổng Biên tập Lê Văn Lành xem cùng với đề xuất xin triển khai thực hiện Nghị định 61. Anh Lành bảo: Giao cho chú nghiên cứu xây dưng Đề án để báo cáo xin Tỉnh ủy ...

buiducthinh01.jpg

Trong dịp dự Hội thảo Báo Đảng khu vực Miền Trung- Tây Nguyên tại Lâm Đồng cuối năm 2006 và Hội nghị tổng kết công tác Hội Nhà báo toàn quốc tại Nghệ An, năm 2007, tôi tranh thủ gặp lãnh đạo một số báo địa phương đã hoặc đang triển khai thực hiện Nghị định 61 như Báo Lâm Đồng, Báo Bình Thuận, Báo Nghệ An…để tìm hiểu, học tập. Ghi nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu, tuy nhiên tôi thấy các báo bạn xây dựng đề án chưa thật đúng với tinh thần Nghị định 61. Đó là Nghị định 61 quy định các tác phẩm báo chí được tính bằng điểm hệ số; mỗi điểm hệ số có giá trị là 10% mức lương tối thiểu. Cụ thể như thể loại tin được tính từ 1 đến 10 điểm hệ số; thể loài bài phản ánh được tính từ 10 đến 30 điểm hệ số… Trong khi đó, các báo bạn đều lấy số tiền để làm đơn vị tính khi xây dụng đề án; nên tôi nghĩ cứ lấy đơn vị tính là điểm hệ số, nhung để dễ hiểu, thì gọi là điểm. (Chi tiết này rất đúng theo văn bản Nghị định và thuận lợi cho việc lập dự toán những năm sau khi mức lương tối thiểu được Chính phủ điều chỉnh).

Về mức nhuận bút, trong Nghị đinh 61 có quy định các báo do cơ quản chủ quản cấp ngân sách thì không được thực hiện quá 50%; nhưng cũng không được thấp dưới 10%; tôi nghĩ nếu đề xuất tới 50% thì kinh phí xin cấp hàng năm sẽ nhiều, cấp trên khó chấp nhận, giải quyết. Còn mức 10% thì không khá hơn mức cũ bao nhiêu. Vậy nên tôi đề xuất xin thực hiện 30%. Cùng với đó, tôi luôn nghĩ đến việc nếu Nghị định 61 được triển khai thực hiện thì phải dùng chính sách kinh tế này làm công cụ quản lý, động viên nguồn lực phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Vì thế, cùng với việc xác định định mức hàng tháng cho từng đối tượng lao động cụ thể, để khuyến khích phóng viên đi cơ sở, tôi đưa ra hướng không thanh toán công tác phí theo ngày mà cộng thêm điểm tỷ lệ theo vùng cho tác phẩm. Hay như để có tin bài nhanh, chất lượng cao, tôi cũng đề xuất cộng điểm khuyến khích cho từng tác phẩm đạt yêu cầu, bình chọn cộng điểm thưởng cho tác phẩm chất lượng cao… Đối với các bộ phận khác cũng có định mức, hình thức thưởng phạt theo số lương, chất lượng công việc cụ thể. Tiếp đó là việc thống kê, xác định số lượng tác phẩm, định mức công việc của các phòng, bộ phận, hạng mục công việc, của phóng viên, biên tập viên, nhân viên … để hình thành nên khung nhuận bút cho một số báo.

Trước khi chắp bút viết Đề án, tôi đều tham khảo ý kiến của Ban Biên tập, của một số cán bộ, nhân viên trong cơ quan; viết xong lại đọc đi đọc lại, chỉnh sửa nhiều lần để sao cho hợp lý nhất; lúc đó mới thông qua Ban Biên tập để hoàn thiện.

Ở thời điểm năm 2007, việc đề nghị được thực hiện Nghị định 61 không dễ dàng vì liên quan đến việc tăng mức cấp kinh phí cho cơ quan báo chí. Nhưng được Thường trực Tỉnh ủy quan tâm và do Đề án của Báo đã xây dựng rất chi tiết, sát thực tế, có sức thuyết phục nên việc này đã sớm được thực hiện. Sau này, tôi nghe anh Lành kể lại là trong cuộc họp giao ban khối Đảng để xem xét, cho ý kiến về Đề án thực hiện nhuận bút theo tinh thần Nghị định 61 của Báo Đắk Nông, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì mức cấp kinh phí cho Báo sẽ tăng cao so với hiện tại và … chưa thấy các tỉnh lân cận làm. Thế nhưng sau khi xem các văn bản của Trung ương và Đề án của Báo, đồng chí Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Thường trực chủ trì cuộc họp đã kết luận: Nghề làm báo là nghề đặc thù, nhiều khó khăn, vất vả lắm. Có được bài báo, người viết cũng lao tâm khổ tứ lắm; nhưng lâu nay do cơ chế nên thù lao thì không tương xứng. Nay Trung ương đã có Nghị định, hướng dẫn rồi thì ta thực hiện để tạo điều kiện cho anh em làm việc tốt hơn. Sau khi Văn phòng Tỉnh ủy có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Biên tập đã xúc tiến các nghiệp vụ theo quy định để triển khai.

Từ khi được triển khai thực hiện Nghị định 61, nhuận bút của Báo Đắk Nông được nâng lên nhiều so với trước đó, thu nhập của những người làm báo tại Báo Đắk Nông được cải thiện rõ rệt, nên đã huy động được nguồn lực lớn cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Các phóng viên tích cực đi cơ sở, viết tin, bài, ảnh nhanh, chất lượng; cộng tác viên chăm viết, gửi tin, bài; biên tập viên, nhân viên cơ quan cần mẫn với công việc… đã góp phần làm cho Báo Đắk Nông ngày càng ngày càng phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức để cơ quan Báo luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm.

BÙI ĐỨC THỊNH
Phó Tổng Biên tập giai đoạn 2005 - 2015

Kỷ Yếu Báo Đắk Nông