Chặng đường nhiều khó khăn với Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:21, 04/01/2024

Từ ngày 1/1/2024, Vương quốc Bỉ bắt đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian sáu tháng. Làn sóng di cư ở châu Âu, việc mở rộng liên minh, hệ lụy từ biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine, Trung Đông... là những vấn đề cam go mà Chủ tịch Hội đồng EU phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Đây là lần thứ 13 Bỉ giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU. Những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ của nước này đã được lãnh đạo Bỉ công bố vài tuần trước đó. Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, bảo vệ người dân, củng cố các mối quan hệ và mở rộng EU là những nguyên tắc chủ đạo trong nhiệm kỳ tới. Nhà lãnh đạo Bỉ cũng nhấn mạnh, các cuộc xung đột ở UkraineTrung Đông, biến đổi khí hậu, thông tin sai lệch… cũng là những vấn đề nổi bật được tập trung giải quyết.

So với thời điểm gần đây nhất Bỉ giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU vào năm 2010, bối cảnh hiện tại của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi lớn. Lục địa già vẫn đối mặt với "dư âm của Brexit", giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, công nghệ mới nổi... Ngay trong nhiệm kỳ này, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với EU được tổ chức là bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Hadja Lahbib nhấn mạnh, sáu tháng tới đây thật sự là "giai đoạn then chốt" đối với EU. Các quan chức nước này cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, Bỉ muốn nỗ lực bảo vệ công dân châu Âu tốt hơn, hợp tác chặt chẽ hơn và chuẩn bị cho người dân châu Âu một tương lai chung tốt đẹp hơn.

Di cư là một trong những trọng tâm mà nước Chủ tịch Hội đồng EU ưu tiên giải quyết, nhằm củng cố niềm tin giữa các thành viên EU và bảo đảm quản lý dòng người di cư hiệu quả. Trong 11 tháng đầu năm 2023, có ít nhất 355.300 người di cư trái phép đã đến EU, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Mới đây, EU đã đạt được thỏa thuận lớn nhằm cải cách chính sách về người di cư. Cải cách bao gồm việc đẩy nhanh quá trình kiểm tra những người di cư trái phép, thành lập trung tâm giam giữ ở biên giới, đẩy nhanh trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối.

Tuy nhiên, giới chức Bỉ nhận định, cho dù thỏa thuận đã được thông qua, thì vấn đề di cư vẫn là thách thức dai dẳng với EU. Đói nghèo, xung đột, thiên tai... ở những điểm khởi nguồn của làn sóng di cư mới là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của Bỉ là thúc đẩy các cuộc đàm phán về sửa đổi khung ngân sách giai đoạn 2021-2027 và ngân sách năm 2024 của EU, đặc biệt trong bối cảnh EU đang hướng tới việc mở rộng khối. Tại Hội nghị thượng đỉnh mới đây của khối, các nước nhất trí mở các cuộc đàm phán về kết nạp Ukraine và Moldova vào liên minh. Tiến trình mở rộng khối vốn chưa bao giờ là dễ dàng bởi các đối tác phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền của EU.

Vào tháng 6 tới, hơn 400 triệu cử tri châu Âu sẽ bầu EP nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử tại 27 nước thành viên EU sẽ quyết định thành phần của nghị viện khoảng 700 ghế, có nhiệm vụ giám sát lập pháp châu Âu. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng EU, Bỉ sẽ phải "chạy nước rút" để thúc đẩy hoàn tất các văn bản lập pháp của khối trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Theo truyền thông châu Âu, cho đến cuối tháng 4 tới, Bỉ có trách nhiệm hoàn thiện hơn 100 văn bản lập pháp chính của EU.

Bỉ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU với hàng loạt vấn đề hóc búa cần giải quyết. Thách thức bộn bề, song đây cũng là cơ hội để Bỉ, một trong những quốc gia sáng lập EU, khẳng định vị thế của mình và tiếp tục đóng góp thúc đẩy chuyển động mạnh mẽ để xây dựng EU trong thời kỳ mới.

ĐỖ QUYÊN