Ngành Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất 10 năm qua
Năm 2023, ngành Nông nghiệp-PTNT Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Chiều 3/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị.
Năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,83%. Đây là lần đầu tiên và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD; xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022).
Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 3 - 3,5%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn. Toàn ngành thực hiện phương châm "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm".
Ngành Nông nghiệp thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nông nghiệp Việt Nam đã xoay chuyển được tình thế, biến khó khăn, thách thức, bị động sang chủ động, tận dụng tốt cơ hội để tăng trưởng.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngành đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn.
Tòan ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn cần được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh hơn.