Quy trình giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước
Chính sách - Ngày đăng : 14:55, 03/01/2024
Thông tư quy định rõ quy trình giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của NHNN:
Giám sát giao, nhận tiền in, đúc hỏng
Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tiền tại thời điểm giao nhận, đối chiếu sự khớp đúng về số lượng, cơ cấu tiền in, đúc hỏng thực tế giao, nhận với số liệu theo quyết định tiêu hủy của Thống đốc NHNN.
Giám sát kiểm đếm tiền in, đúc hỏng
Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Giám sát việc thực hiện các quy định, quy trình về kiểm đếm tiền in, đúc hỏng. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, nhầm lẫn được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.
Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm tiền in, đúc hỏng trên biên bản do Hội đồng tiêu huỷ lập.
Số tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy thì phải được niêm phong có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu hủy.
Trong quá trình giám sát, công chức giám sát có quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với số tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó (hoặc gói, thùng) tiền đã được kiểm đếm.
Giám sát cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy)tiền in, đúc hỏng
Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng từ kho của Hội đồng tiêu hủy, Tổ kiểm đếm đến Tổ cắt hủy và ngược lại.
Giám sát việc xử lý đối với trường hợp có nghi vấn thừa, thiếu, nhầm lẫn trong công đoạn cắt hủy theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Giám sát việc thực hiện cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu, đảm bảo phế liệu tiêu hủy không thể khôi phục như trạng thái ban đầu dưới bất kỳ hình thức nào.
Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy xác nhận số tiền in, đúc hỏng đã cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập.
Số tiền in, đúc hỏng đã giao Tổ cắt hủy nhưng không cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hết trong ngày, được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy tiền và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ cắt hủy tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.
Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng
Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện niêm phong phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa nếu đang bảo quản tiền in, đúc hỏng.
Việc thực hiện giám sát qua hệ thống camera quan sát do các cơ sở in, đúc tiền thực hiện và chịu trách nhiệm.
Giám sát số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng
Giám sát, đối chiếu số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng với Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo sự chính xác, khớp đúng giữa số liệu theo dõi trên sổ sách, báo cáo và số liệu tiêu hủy thực tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/02/2024./.