Kinh tế

Trồng khoai lang sạch kiếm lời 124 triệu đồng/ha

Văn Tâm 04/01/2024 15:00

Mô hình liên kết trồng khoai lang an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Đắk Nông đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã hình thành được các vùng chuyên canh cây khoai lang và xây dựng được thương hiệu khoai lang Nhật Bản tại các vùng Thuận Hạnh, Đắk Búk So.... Tuy nhiên, thực tế hiện nay chất lượng chưa được bảo đảm, năng suất thấp nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.

dsc_0720-2-.jpg
Người dân thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời bệnh hại trên ruộng khoai lang

Nguyên nhân, do người dân chưa nắm vững kỹ thuật, khâu chọn giống, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn phổ biến, dẫn đến tình trạng tồn dư lượng hóa chất trong sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, để giúp người dân sản xuất khoai lang bền vững, Trung tâm Khuyến nông và giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng mô hình liên kết trồng khoai lang an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.

Mô hình có 10 hộ tham gia, với quy mô 5ha. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, vật tư theo quy trình kỹ thuật và định mức áp dụng. Những hộ được chọn đều bảo đảm điều kiện thực hiện, có kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng khoai lang.

Anh Nguyễn Văn Trung, xã Thuận Hạnh cho biết: “Gia đình tôi tham gia nhận trồng 5 sào khoai lang theo mô hình. Giống khoai lang gia đình trồng là giống nuôi cấy mô. Nhờ thời tiết thuận lợi nên khoai phát triển tốt, ít ảnh hưởng sâu bệnh, năng suất đạt khá cao”.

Để mô hình phát huy hiệu quả, trước khi trồng, Trung tâm Khuyến nông và giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đã lựa chọn giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng đất trồng, hướng dẫn nông dân cách làm đất, xử lý đất, dây giống trước khi trồng.

Trung tâm thực hiện các bước lấy ý kiến, tổ chức họp mặt những hộ có nhu cầu để bình xét, chọn lựa các hộ đủ tiêu chuẩn, tâm huyết thực hiện mô hình.

Anh Trần Văn Hùng, tổ trưởng tổ trồng khoai lang vui mừng cho biết: Trước khi nhận giống, bà con được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên rất yên tâm. Sau 3 tháng trồng, khoai phát triển đồng đều, lượng củ đạt yêu cầu. Sau khi kết thúc mô hình, chắc chắn địa phương và người dân sẽ duy trì, phát huy kết quả mô hình.

Mô hình liên kết trồng khoai lang an toàn thực phẩm đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sang sử dụng các hóa chất có trách nhiệm, đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không có tồn dư các loại hóa chất gây độc hại cho con người. Hơn nữa, mô hình khoai lang an toàn thực phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước.

Mô hình cũng hình thành thói quen và thay đổi tập quán sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, với phương thức quản lý đồng ruộng, quản trị thu chi, cân đối đầu vào, đầu ra đối với sản phẩm.

Sau hơn 3 tháng triển khai mô hình, năng suất khoai lang đạt bình quân khoảng 17 tấn/ha. Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận khoảng 124 triệu đồng/ha.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, mô hình liên kết khoai lang an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu đạt được hiệu quả nhất định.

Mô hình đã giúp người dân quen dần với việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên sản phẩm có chất lượng, giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống.

Từ kết quả mô hình mang lại, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển giao quy trình trồng khoai lang an toàn, hữu cơ cho người dân các vùng có điều kiện thích hợp với trồng khoai. Từ đó, dần hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ổn định, tạo thuận lợi cho các đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm

Văn Tâm