"Liệu pháp gây sốc" của Argentina
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:00, 03/01/2024
Nhà lãnh đạo Argentina khẳng định cần cải tổ triệt để nền kinh tế bằng "liệu pháp gây sốc" trong bối cảnh lạm phát và thâm hụt ngân sách tại nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực Mỹ Latin này ở mức rất cao.
Argentina lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng năm 2018 và đã phải viện tới sự hỗ trợ của IMF. Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2023, Argentina cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD nhằm tăng dự trữ của Ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF. Trong khi đó, đợt hạn hán nghiêm trọng gần đây đã khiến quốc gia Nam Mỹ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD. Là một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, song Argentina đang phải đối mặt hàng loạt khó khăn kinh tế, như tỷ lệ lạm phát gần 150%, tỷ lệ đói nghèo vượt quá 40% dân số.
Trước tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô, Chính phủ Tổng thống Javier Milei đã công bố một loạt các biện pháp kinh tế khẩn cấp, tập trung vào vấn đề cắt giảm chi tiêu công và ngăn chặn nguy cơ "siêu lạm phát". Các sáng kiến nổi bật bao gồm phá giá đồng nội tệ peso ở mức hơn 50% và đưa ra Nghị định Cần thiết và Khẩn cấp (DNU), với một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân hóa.
Các biện pháp bao gồm giảm trợ cấp cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải; hạn chế phân bổ ngân sách từ Trung ương cho các địa phương xuống mức tối thiểu; hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng chưa khởi công và tiến tới loại bỏ thuế xuất khẩu.
Theo Chính phủ Argentina, việc áp dụng các biện pháp nêu trên có thể khiến tình hình kinh tế tồi tệ hơn trong khoảng vài tháng, đặc biệt là tình trạng lạm phát, song là cần thiết để "cứu" nền kinh tế. Thực tế, các biện pháp kinh tế mới đã ngay lập tức khiến giá cả leo thang chóng mặt trong những ngày cuối năm 2023, ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người dân.
Quốc hội Argentina đã triệu tập phiên họp bất thường từ ngày 26/12/2023 để xem xét và thảo luận các chính sách của DNU và dự kiến phiên họp này sẽ kéo dài tới ngày 31/1/2024. Hiện tại, một số thống đốc tỉnh đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao, cho rằng việc Chính phủ điều hành đất nước bằng nghị định DNU là hành động vi hiến.
Trong khi đó, theo một dự thảo luật trình Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có "đặc quyền" trong việc đưa ra các chính sách kinh tế, tài chính, an ninh và xã hội tới cuối năm 2025 để điều hành đất nước và có thể gia hạn quyền này thêm hai năm tiếp theo. Tổng thống Milei tuyên bố, luật mới sẽ cho phép cơ quan hành pháp quyền tối cao cần thiết để hành động trong tình huống khẩn cấp hiện nay, tránh để đất nước rơi vào thảm họa kinh tế, bên cạnh việc thúc đẩy những cải cách triệt để về thương mại, thuế, sản xuất, xã hội, an ninh, giáo dục và hoạt động ở tất cả các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng đối lập cho rằng, việc Chính phủ soạn thảo dự luật tự cho cơ quan này quyền tối cao điều hành đất nước là hành động vi hiến. Tổng thống Milei, thủ lĩnh đảng cựu hữu Tự do tiến lên (LLA) chiếm thiểu số trong Quốc hội. Chỉ với 38 trong 257 ghế Hạ viện và 7 trong 72 ghế Thượng viện, LLA rất cần sự ủng hộ của lưỡng viện Quốc hội để thông qua khoảng 500 chính sách cải cách do Chính phủ đề xuất. Tổng thống Milei kêu gọi các nghị sĩ thông qua gói chính sách cải cách để có thể tạo ra sự thay đổi sâu sắc cho đất nước, tránh để nền kinh tế rơi vào tình trạng "thảm họa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử".
Trong thông điệp Năm mới 2024, thừa nhận tình cảnh tồi tệ hiện nay của Argentina sẽ còn khắc nghiệt trong những tháng tới, Tổng thống Milei kêu gọi người dân ủng hộ và thúc đẩy thông qua các biện pháp cải cách của Chính phủ.