Kinh tế

Kinh tế tập thể giúp nông dân Đắk Nông sản xuất hiệu quả hơn

Thanh Nga 03/01/2024 04:58

Kinh tế tập thể đang giúp nông dân Đắk Nông đổi mới cách sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Anh Bế Văn Chiến, thành viên HTX Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát (HTX Thinh Phát) cho biết, 4 năm trước, anh tham gia HTX. Từ đó, gia đình chuyển đổi 1ha cà phê năng suất thấp sang trồng rau VietGAP, mỗi năm thu về trên 260 triệu đồng.

img_0251-1-(1).jpg
HTX Bechamp Đắk Nông hướng dẫn nông dân cách chế biến phân bón sinh học chăm sóc cà phê, hồ tiêu

Anh Chiến chia sẻ: “Nông dân sản xuất riêng lẻ hiệu quả kinh tế rất thấp. Vào HTX và được định hướng, hỗ trợ kỹ thuật trồng rau VietGAP, được ký kết tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định, nên yên tâm đầu tư sản xuất, hiệu quả kinh tế tốt hơn”.

Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết, HTX có 201 thành viên, thành viên liên kết trồng khoảng 100ha rau và 700ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. HTX được Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, chính quyền địa phương, các ngành tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh. Nhờ đó, sản phẩm của HTX có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các đối tác và đầu ra ổn định.

1-1-(1).jpg
Thành viên HTX Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) trồng rau VietGAP thu nhập cao

Đắk Nông có 280 HTX, trong đó 229 HTX nông nghiệp, còn lại là các HTX phi nông nghiệp. Các HTX tạo việc làm cho gần 17.130 thành viên và trên 8.000 lao động.

Doanh thu bình quân của HTX ở Đắk Nông ngày càng tăng. Từ tháng 6/2022, doanh thu bình quân của HTX ở Đắk Nông chỉ đạt 700 triệu đồng thì cuối năm 2023 đạt 1,6 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của HTX tăng lên 1,5 tỷ đồng, tài sản bình quân đạt 2,4 tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ HTX hoạt động khá chiếm trên 38%, trung bình chiếm gần 55%, yếu kém dưới 7%.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đánh giá: Đa số HTX của Đắk Nông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp của tỉnh đang hoạt động khá hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh.

Một số HTX sản xuất, chế biến cà phê, hồ tiêu, lúa, rau màu… đã xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

“Các HTX tích cực chuyển đổi số, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều sản phẩm của HTS đạt tiêu chuẩn Oganic, GlobalGAP, VietGAP…, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường”, ông Khải nhấn mạnh.

Các HTX phi nông nghiệp của Đắk Nông hoạt động đa dạng, trong đó có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, điện...

Các HTX phi nông nghiệp đã và đang tích cực đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập ngày càng cao cho thành viên, người lao động.

Đắk Nông đã có nhiều HTX có sản phẩm được thị trường trong nước, nước ngoài đánh giá cao như: HTX Thịnh Phát, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, HTX Đắk Ka, HTX Bechamp Đắk Nông, HTX Thanh Thái, HTX Nam Hà…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đánh giá: Hoạt động của các HTX giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Các HTX giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết và sản xuất theo nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích các HTX phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương tập hợp nông dân vào kinh tế tập thể.

Thanh Nga