Kinh tế

Đắk Nông chú trọng giết mổ động vật an toàn

Hồng Thoan 03/01/2024 05:36

Đắk Nông đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm

Theo UBND huyện Đắk Glong, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ. Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do địa bàn huyện rộng, giao thông cách trở trong khi đó lực lượng chuyên môn mỏng.

Để nâng cao tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ an toàn, vệ sinh thực phẩm, lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra chặt chẽ các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

Trong đó, cơ quan chức năng yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định, không gây ô nhiễm môi trường. Huyện yêu cầu, giám sát việc cải tạo, nâng cấp các hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp bảo đảm quy định kỹ thuật về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.

hinh-thoan(1).jpg
Giết mổ gia súc, gia cầm của Đắk Nông chủ yếu là nhỏ lẻ

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở NN- PTNT), toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 16 cơ sở tập trung được cấp phép, còn lại đều ở hình thức nhỏ lẻ. Các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động nhiều năm là một thực tế đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng, địa phương để bảo đảm các quy định về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.

UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật. Các cấp ngành kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn,

Theo lãnh đạo Sở NN- PTNT, sở tích cực phối hợp xây dựng phương án triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ động vật tại địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giết mổ tại địa phương.

Ngành Nông nghiệp kiện toàn hệ thống thú y từng cấp, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật cho nhân viên Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.

Lực lượng chuyên môn cơ sở được cập nhật các kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực thi nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.

Đặc biệt, những năm qua, các đơn vị chuyên môn, lực lượng liên ngành, nhất là Công an tỉnh đã kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với các cơ sở giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình được đẩy mạnh.

Người tiêu dùng ngày càng nêu cao ý thức về việc không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời vào cuộc, xử lý.

img_1583(1).jpg
Nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh nỗ lực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn các huyện, TP. Gia Nghĩa, bình quân mỗi ngày có khoảng 250 con heo được giết mổ tập trung, chiếm khoảng 60% và 15 con trâu, bò, chiếm khoảng 80% so với thực tế.

Mỗi ngày, có khoảng 400 con gia cầm, chiếm khoảng 30% so với thực tế được giết mổ được ngành Thú y kiểm soát. Đây là nỗ lực lớn của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao tỷ lệ vật nuôi được giết mổ tập trung.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, với những nỗ lực đó, tỷ lệ gia súc được đưa vào giết mổ tập trung đạt khoảng 80%, giết mổ gia cầm tập trung đạt khoảng 60% là đã thực hiện được. Mục tiêu trên là đến năm 2025 thì năm 2023 tỉnh đã đạt được.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, về lâu dài, các ngành liên quan và chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch khu giết mổ tập trung để thực hiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư; xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ tập trung với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm.

Hồng Thoan