Quy mô kinh tế Đắk Nông tăng 12 lần sau 20 năm
Sau 20 năm, kinh tế Đắk Nông có những đổi thay vượt bậc, tốc độ tăng trưởng tăng cao qua các năm; đời sống Nhân dân từng bước cải thiện, tạo động lực để tiếp tục bứt phá.
Ngày đầu gian khó
Được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk, những ngày đầu, Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn. Từ cơ sở, hạ tầng, đến đội ngũ nguồn nhân lực…, tất cả đều thiếu và yếu.
Thu nhập bình quân đầu người của Đắk Nông vào năm 2004 là 4,46 triệu/người/năm. Cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với tỷ trọng chiếm 72,86%.
Nói về những ngày đầu mới tái lập tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha cho biết, khó khăn chồng chất khó khăn. Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng khi đó đối mặt với nhiều thách thức.
Tình hình chính trị của khu vực và cả Đắk Nông chưa thật sự ổn định. Thời tiết gây hạn hán kéo dài trên diện rộng. Chỉ riêng năm 2004, toàn tỉnh Đắk Nông mất trắng 150.000 ha cây trồng vì hạn hán, gây thiệt hại 165 tỷ đồng.
Với một tỉnh nghèo, ngân sách chưa tới 200 tỷ đồng. Trong khi, tổng thiệt hại ở một lĩnh vực đã xấp xỉ chừng đó. Chưa kể, giá vật tư, phân bón, xăng dầu tăng vọt. Một số mặt hàng nông sản giảm giá sâu.
Hệ thống chính trị của tỉnh mới tái lập vừa phải xây dựng, kiện toàn bộ máy, vừa chỉ đạo, tổ chức điều hành. "Tất cả đến một lúc, làm cho kinh tế, xã hội, chính trị của tỉnh đối mặt với những thách thức lớn", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha chia sẻ.
Trước tình hình này, để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, Đắk Nông xác định cần phải có chiến lược phát triển nhanh, toàn diện, mang tính bền vững.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nghiên cứu đặc điểm từng lĩnh vực cụ thể. Từ đây, mỗi địa phương, đơn vị đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển của tỉnh trong tình hình mới.
Trước hết, về sản xuất nông nghiệp, đây là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, nên được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển nông nghiệp được Đắk Nông triển khai, hiện thực hóa.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh xác định phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể. Từ đây, tỉnh khai thác được tiềm năng, lợi thế của mình. Trong phát triển kết cấu hạ tầng, Đắk Nông phải huy động từ mọi nguồn lực để cải thiện….
Đổi thay vượt bậc
Bằng nhiều nỗ lực, sau 20 năm phát triển, Đắk Nông đã có nhiều đổi thay vượt bậc, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đến năm 2020, Đắk Nông đã thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển. Đến năm 2023, Đắk Nông đã ghi được nhiều dấu ấn trong khu vực Tây Nguyên.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha đánh giá: “Kết quả hôm nay Đắk Nông đạt được là cả một quá trình nỗ lực gian nan. Nhìn những đổi thay của tỉnh nhà mà không khỏi tự hào, xúc động. Bởi không ai hết, bản thân tôi là người đầu tiên chứng kiến những khó khăn, vất vả của một tỉnh nghèo khi vừa thành lập. Có những thời điểm, cán bộ, Nhân dân phải oằn mình vượt qua”.
Cũng theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha, sau 20 năm, trên tất cả các lĩnh vực đều thay đổi. Từ nông nghiệp, công nghiệp đến kết cấu hạ tầng. Tất cả đang tạo nên một Đắk Nông mạnh mẽ, tự tin vươn mình phát triển.
Sự đổi thay của Đắk Nông thể hiện qua nhiều "con số biết nói". Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2023 ước đạt trên 23.889 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với năm 2004.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông năm 2023 đạt 5,74%, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh là 68 triệu đồng/người/năm, cao gấp 12 lần so với 2004.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng có sự dịch chuyển tích cực. Năm 2004, nền kinh tế chủ yếu là thuần nông, với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 78,26%.
Đến năm 2023, khu vực nông nghiệp giảm xuống còn hơn 39%. Thay vào đó là khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã tăng lên. Ngành Nông nghiệp từng bước chuyển dần sang nền sản xuất giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật, khoa học và công nghệ.
Toàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp khẳng định thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước, như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chanh dây, khoai lang, bơ, sầu riêng.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn như Viet GAP, Global GAP, OCOP... mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã dần chuyển sang quy mô tập trung, trang trại, liên kết đầu ra rõ nét.
Trên lĩnh vực công nghiệp, từ một tỉnh thuần nông, quy mô công nghiệp chưa đáng kể, đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn cơ sở, nhà máy chế biến công nghiệp.
Toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và đang phát triển nhiều cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển nhiều năm tới. Quy mô của ngành công nghiệp Đắk Nông năm 2023 tăng gần 26 lần so với năm 2004.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đắk Nông phát triển nhanh, khá năng lưu chuyển hàng hóa tăng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và đời sống của Nhân dân.
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị theo chiều sâu. Các phương thức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu thị trường cũng được các doanh nghiệp tiếp cận, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi mới tái lập, Đắk Nông chỉ có hơn 150 doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh công ty, với vốn đăng ký lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng ngành nghề, lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu, xây dựng...
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng sôi động, phát triển, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa của tỉnh tăng đều hàng năm.
Đến năm 2023, doanh thu thương mại, dịch vụ của Đắk Nông đạt 22.400 tỷ đồng, tăng hơn 22 lần so với năm 2004. Thời điểm mới tách tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 49,86 triệu USD, đến năm 2023, đạt 880 triệu USD, tăng 17,9 lần.
Các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đa dạng, nhất là hoạt động bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tư vấn, ngân hàng… Tất cả đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, gắn liền với bảo đảm quốc phòng an ninh cũng được tỉnh chú trọng. Mạng lưới giao thông của tỉnh được nâng cấp hoàn thiện qua từng năm, từng giai đoạn.
Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã nhựa hóa được trên 2.400 km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh từ 10% năm 2004 lên 71% năm 2023.
Hệ thống lưới điện được tỉnh cải tạo, nâng cấp, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện năm 2004 chỉ có khoảng 57%, đến 2023 đã tăng đến 99,2%.
Hệ thống an ninh, quốc phòng của tỉnh luôn ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội. Tất cả góp phần tạo nên diện mạo mới trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đắk Nông.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội diễn ra ngày 15/12/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá, những kết quả Đắk Nông đạt được là nhờ sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Kết quả này còn là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, thống nhất của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
“Tuy còn đó những khó khăn, thách thức, nhưng tất cả chúng ta tự hào về kết quả mình đạt được. Từ đây, chúng ta chủ động hơn, linh hoạt hơn, bản lĩnh hơn trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chia sẻ.
Giai đoạn 2004-2010, tăng trưởng GRDP của Đắk Nông đạt bình quân 7,3%/năm; giai đoạn 2010-2015 đạt 14,75%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,86%/năm và giai đoạn 2021-2023 đạt 7,32%/năm.
*Bài viết sử dụng một số thông tin theo Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh 20 năm qua (2004-2024) của UBND tỉnh Đắk Nông.