Văn hóa

Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu

Mỹ Hằng 30/12/2023 06:08

Trải qua 8 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu (VĐCTC) UNESCO Đắk Nông đã xuất sắc vượt qua 2 kỳ thẩm định và giữ vững danh hiệu CVĐCTC, chứng minh sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông và người dân trên hành trình đến với danh hiệu CVĐC toàn cầu

Hành trình 8 năm ròng rã

Năm 2014, sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và công bố, tỉnh Đắk Nông đã quyết tâm xây dựng CVĐC Đắk Nông theo mô hình và định hướng phát triển tham gia Mạng lưới CVĐCTC. Dựa trên các cứ liệu khoa học, tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thành lập CVĐC Đắk Nông với diện tích hơn 4.700km2, ranh giới bao gồm 6 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa.

hinh1-7-(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh (hàng đầu thứ 2 từ bên trái qua) cùng Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2.

Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý CVĐC tỉnh Đắk Nông được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở cứ liệu khoa học, UBND tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông” và “Điều tra khảo sát bổ sung" làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ CVĐC Đắk Nông để đăng ký gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO.

Tháng 7/2018, tỉnh Đắk Nông mời các chuyên gia thẩm định sơ bộ đánh giá tiềm năng của CVĐC. Theo đó, các chuyên gia đã xác định CVĐC Đắk Nông có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”.

hinh1-6-(1).jpg
Hệ thống hang động núi lửa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông dài và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.

Sau đó, cùng với đệ trình lên UNESCO hồ sơ CVĐC một cách đầy đủ, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch gồm 44 điểm du lịch. Tuyến 1: “Trường ca của nước và lửa” bắt đầu từ TP Gia Nghĩa - Quảng Sơn - Krông Nô gồm có 14 điểm du lịch. Tuyến 2: “Bản giao hưởng của sự đổi thay” bắt đầu từ cầu Sêrêpốk của huyện Cư Jút đến TP. Gia Nghĩa gồm 16 điểm du lịch. Tuyến 3: “Âm vang từ Trái đất” bắt đầu từ TP. Gia Nghĩa đi Tà Đùng (Đắk Glong) gồm 14 điểm du lịch.

Tháng 7/2020, tại Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 thủ đô Paris (Pháp), Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu.

hinh1-3-(1).jpg
Hệ thống hang động núi lửa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông liên hoàn và kết nối.

Sau kỳ tái thẩm định của nhóm chuyên gia từ ngày 26-30/6/2023, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiếp tục thành công vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ hai và nhận được thẻ xanh tại Kỳ họp thứ 8 của Hội đồng CVĐCTC. Quyết định này mở ra một chặng đường phát triển mới cho CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, đồng thời ghi nhận những kết quả và nỗ lực của chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông thời gian qua.

Thành quả của sự chung tay

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VT-TT-DL, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cho biết: “Tính từ khi được thành lập, CVĐC Đắk Nông mới chỉ bắt đầu xây dựng theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐCTC. Đến năm 2020, đã cơ bản hình thành hệ thống cơ sở vật chất phát triển du lịch tại các điểm, tuyến du lịch đã được hình thành trong CVĐC bao gồm các điểm đỗ xe, các chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển bảng chỉ dẫn đến các điểm di sản, điểm tham quan của CVĐC…".

hinh1-9-(1).jpg
Có 41 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Cùng với sự hình thành các cơ sở vật chất của CVĐC là hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ của CVĐC được phát triển theo. Trong đó, bao gồm đối tác cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch, vận chuyển du lịch, mô hình tham quan du lịch theo 3 tuyến du lịch của CVĐC. Điều này góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư trong vùng CVĐC.

Song song với quá trình xây dựng và phát triển CVĐC là hoạt động tuyên truyền, tập huấn cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về di sản và bảo vệ di sản. Đắk Nông tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia Mạng lưới CVĐCTC UNESCO được cộng đồng dân cư tham gia, ủng hộ”.

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trở thành từ khóa được tìm kiếm, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần qua trọng trong việc định vị thương hiệu du lịch Đắk Nông trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự khởi sắc.

Tổng lượt khách du lịch đạt 512.500 lượt, tăng 306,4% so với năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 2.000 lượt, doanh thu du lịch khoảng 65 tỷ đồng, tăng 240% so với năm 2021. Riêng năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 679.000 lượt, tăng 32,5% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế ước đạt 5.400 lượt, tăng 170% so với năm 2022. Tổng doanh thu ngành Du lịch trong năm 2023 ước đạt 160 tỷ đồng), tăng 146,1% so với năm 2022.

Một số khu, điểm du lịch trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được đầu tư nâng cấp theo hướng đa dạng hóa dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, tổ chức trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, tham quan vườn thú, thể thao mạo hiểm…

hinh1-5-(1).jpg
Một góc Hồ núi lửa ở Đắk Mil.

Phát triển, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí

Sau 2 kỳ đánh giá của UNESCO, Đắk Nông vẫn giữ vững danh hiệu CVĐCTC UNESCO, điều này khẳng định sự nỗ lực của các cấp ủy chính quyền cùng sự chung sức của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện các cam kết với tổ chức UNESCO về bảo tồn và phát triển CVĐC. Đây cũng chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình khai thác, vận hành hiệu quả và rất cần có những chính sách phát triển phù hợp.

Hiện nay, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang tập trung triển khai thực hiện 16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO, nhất là cải thiện hình ảnh, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý và tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế.

Các địa phương đang ưu tiên lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu đô thị du lịch sinh thái Đắk R’tíh, Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch dọc sông Sêrêpốk.

hinh1-2-(1).jpg
Nhiều núi lửa được hình thành thông qua sự kiến tạo địa chất hàng triệu năm.

Cũng theo bà Khúc Thị Thoi, trước mắt, để bảo vệ, phát huy những thành quả đã đạt được và nâng tầm các giá trị CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực lao động du lịch.

Các huyện, thành phố trong vùng CVĐC cũng cần bảo đảm việc vận hành và phát triển CVĐC Đắk Nông phù hợp với các tiêu chí, nhất là thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của UNESCO đưa ra. Việc xây dựng các mô hình du lịch công đồng gắn với mỗi điểm đến của CVĐC, phù hợp với các quy hoạch chung của tỉnh được chú trọng”.

hinh1-8-(1).jpg
Nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan trải nghiệm du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Còn theo PGS.TS Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO, để phát huy và vận hành hiệu quả danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong tương lai, địa phương quan tâm, hỗ trợ khoanh vùng và ban hành các quyết định để bảo đảm cho công tác bảo tồn phù hợp về mặt pháp lý. Tỉnh cần thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn. Đi đôi với đó, Đắk Nông quan tâm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc xác định rõ các giá trị văn hóa của từng dân tộc để triển khai công tác bảo tồn, gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Mỹ Hằng