Đắk Nông quy hoạch để chủ động kiến tạo tương lai
20 năm qua, Đắk Nông luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác quy hoạch nhằm tạo đột phá trong phát triển.
Quy hoạch đô thị từ rất sớm
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg, ngày 10/7/2006.
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm tái lập, Đắk Nông đã lập quy hoạch tổng thể nội tỉnh trong quy hoạch chung khu vực và quốc gia. So với những địa phương khác cùng thời kỳ, Đắk Nông được xem là tỉnh có quy hoạch tổng thể khá sớm. Dựa trên các quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt, Đắk Nông đã chỉ đạo lập, phê duyệt các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch ngành…
Đắk Nông đã tập trung nhiều giải pháp, thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị. Nhờ đó, mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại của tỉnh được tăng cường. Công trình, trụ sở làm việc các cơ quan chính trị, hành chính… được đầu tư hoàn chỉnh. Hệ thống lưới điện được cải tạo…
Từ một tỉnh chỉ có 6 đơn vị cấp huyện, chưa có đô thị loại IV, 3 trung tâm huyện chưa có đô thị loại V, đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 9 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại III (TP. Gia Nghĩa); 3 đô thị loại IV (thị trấn Ea T’ling, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức); 5 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm, thị trấn Đức An, xã Nam Dong, xã Quảng Khê và xã Đắk Búk So).
Nếu như năm 2004, tỷ lệ đô thị hóa của Đắk Nông chỉ đạt 7%, thì đến năm 2014 đạt 15,22% và năm 2023 đạt 28%. Đến nay, hệ thống đô thị tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thiện, quy hoạch đô thị đạt được kết quả khả quan, có định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cao và đáp ứng xu hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện môi trường.
Trung tâm đô thị của các huyện và TP. Gia Nghĩa đều được đầu tư xây dựng khu dân cư để giải quyết về đất ở, đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa. TP. Gia Nghĩa có nhiều khu dân cư được hình thành từ năm 2005 đến nay cơ bản đã đáp ứng an sinh, ổn định cuộc sống cho các hộ dân thuộc vùng giải tỏa. Một số khu dân cư đã hoàn thành như: khu đô thị mới Đắk Nia; khu đất ở cán bộ ngành Ngân hàng; 2 khu đất ở của Công an tỉnh Đắk Nông; khu tái định cư đồi Đắk Nur; khu dân cư số 3, 4 Sùng Đức; khu 23ha; khu làng quân nhân; khu dân cư An Phương; khu dân cư bờ Đông…
Một số khu dân cư đang tiến hành xây dựng như: khu tái định cư đồi Đắk Nur B; khu dân cư số 4 phường Nghĩa Tân và một số khu đất ở tại trung tâm các huyện đều được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư xây dựng các khu dân cư trên đạt hơn 8.000 lô đất ở, đáp ứng cơ bản về nhu cầu đất ở tái định cư và đất cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn còn đang triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Hiện nay, trên địa bàn các huyện, TP. Gia Nghĩa đều có quy hoạch chung đô thị được duyệt. Quy hoạch chung đô thị được duyệt là cơ sở để quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, kêu gọi đầu tư xây dựng. Trên cơ sở quy hoạch chung, UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa triển khai lập các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Về quy hoạch nông thôn mới, có 60/60 xã có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới được phê duyệt.
Đắk Nông đã có bước phát triển đáng kể về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các tuyến giao thông nội thị trên các huyện, thành phố, các tuyến đường qua trung tâm các đô thị được đầu tư xây dựng giúp bộ mặt của các đô thị thêm khang trang như: tuyến quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn TP. Gia Nghĩa và các huyện Đắk R’lấp, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song; mở rộng tuyến quốc lộ 28 đoạn qua địa bàn huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Tỉnh đầu tư xây dựng nâng cấp tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 6, quốc lộ 14C và các tuyến đường liên huyện, liên xã.
Cùng với đó, từ một tỉnh chỉ có 6 đơn vị cấp huyện, chưa đô thị nào có cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, vệ sinh môi trường, nghĩa trang và chiếu sáng, cây xanh đô thị, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy cấp nước. Tỷ lệ các hộ dân thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%.
Đắk Nông đầu tư xây dựng hoàn thành 1 nhà máy xử lý nước thải tại TP. Gia Nghĩa với công suất xử lý 600m3/ngày, đêm; 1 nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tâm Thắng với công suất xử lý 4.600m3/ngày, đêm. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 8/8 đơn vị hành chính có dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, phạm vi thu gom tập trung chủ yếu các đô thị và một số vùng lân cận, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đã đạt 100%.
Khắc phục quy hoạch chồng chéo
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nhưng thực tế, trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông có những hạn chế. Nguyên nhân một phần là do trước đây, tỉnh lập quy hoạch từng ngành riêng lẻ, sau đó hợp lại thành quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Điều này dẫn tới quy hoạch có tính khả thi không cao, thậm chí còn xảy ra nhiều sự chồng chéo.
Tại một hội thảo về công tác quy hoạch của Đắk Nông, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) cho biết: “Cứ mỗi một ngành làm một bản quy hoạch, sau đó thông qua bộ, ngành một cách chủ quan. Trong quá trình lập quy hoạch không có sự trao đổi, thống nhất. Đến khi thực thi, mạnh ông nào ông ấy triển khai. Do vậy, không thể nào tránh khỏi sự chồng chéo”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, những năm qua, công tác lập quy hoạch nói chung và một số ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng có tính khả thi thấp. Quy hoạch còn theo tính nhiệm kỳ, thiếu kết nối, tạo thành lực cản cho sự phát triển của địa phương.
Đắk Nông chưa phát huy được vai trò trụ cột về kinh tế do thiếu những điều kiện cần thiết. Công tác dự báo của quy hoạch tỉnh chưa chính xác. Mô hình dự báo quá lạc quan, dẫn đến các chỉ tiêu đề ra quá cao, không thể thực hiện. Một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp do điều kiện thực tế thay đổi nhưng chậm được điều chỉnh.
Ngoài ra, các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm. Một số trường hợp chưa triển khai được do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp phải đình hoãn, cơ cấu lại do không chuyển đổi được đất rừng…
Công tác phối hợp, quản lý điều hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp. Trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao..
Những hạn chế trên đã được Đắk Nông nhận diện, có giải pháp khắc phục bằng quy hoạch tổng thể chung với tầm nhìn dài hạn và tính khả thi cao.
Quy hoạch để thúc đẩy phát triển
Để phát triển kinh tế, xã hội, việc lập quy hoạch được xem là bước tiền đề. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định về nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc với tâm thế quyết tâm, quyết liệt tổ chức lập quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Về tính pháp lý đã có Luật Quy hoạch, nghị định, hướng dẫn, quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt…
Công tác lập quy hoạch nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, các cơ quan, tổ chức, toàn thể Nhân dân trên địa bàn. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông được nghiên cứu bài bản, nghiêm túc. Nội dung quy hoạch được phân tích, xây dựng trên cơ sở thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy về thực trạng, tiềm năng, khả năng phát triển của tỉnh.
Với quyết tâm cao, Đắk Nông là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên được tổ chức thẩm định. Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tổ chức sáng 5/4/2023, tại Bộ KHĐT, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quốc gia nhấn mạnh, Đắk Nông là tỉnh thứ 31 trong cả nước và là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nguyên hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện để Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình lập, hoàn thiện quy hoạch. “Thực hiện tốt công tác quy hoạch giúp Đắk Nông có thể chủ động kiến tạo tương lai phát triển cho địa phương trong giai đoạn 2021-2030 và xa hơn nữa đến năm 2050, chứ không chỉ dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có hay là thích ứng, đối phó với những khó khăn, thách thức”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Mục tiêu Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít- nhôm và sau nhôm của quốc gia.
Tỉnh sẽ phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Đắk Nông sẽ tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên.
Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế được nhận diện để khai thác hiệu quả tiềm năng. Quy hoạch vẫn tập trung cho các trụ cột kinh tế chung của tỉnh đó là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh sẽ chú trọng thêm khâu bảo đảm môi trường, năng lượng xanh, văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển...
Đắk Nông đã trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 có 10 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (TP. Gia Nghĩa); 1 đô thị loại III (thị xã Đắk Mil); 2 đô thị loại IV (thị xã Đắk R’lấp; thị xã Cư Jút), phấn đấu đạt 4 đô thị loại IV (Đắk Mâm, Đức An, Quảng Khê, Đắk Búk So) và 2 đô thị loại V (Quảng Sơn, Nâm N'Jang).
Để thực hiện tầm nhìn chiến lược và hiện thực hóa khát vọng phát triển, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2025.
Đắk Nông tập trung triển khai quy hoạch theo định hướng, "Nhất tâm" với đô thị Gia Nghĩa là trung tâm; "Nhị tuyến" với quốc lộ 14 và quốc lộ 28 làm tuyến giao thông động lực phát triển chính. "Tam trụ" với 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; du lịch). "Tứ vùng" với 4 vùng trọng điểm: tiểu vùng trung tâm gồm TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk R'lấp; tiểu vùng phía đông gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong; tiểu vùng phía tây gồm huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức; tiểu vùng phía bắc gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút.
Đắk Nông huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch gắn với quản lý tốt quy hoạch, tạo động lực mới cho sự phát triển.