Cơ hội bứt phá cho nền kinh tế EU
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:00, 30/12/2023
Trong nỗ lực mở rộng mạng lưới hợp tác kinh tế, thời gian qua, EU đã thúc đẩy ký kết thỏa thuận thương mại với nhiều nước, trải dài khắp các châu lục trên thế giới. Sau hàng thập niên bị đình trệ, năm 2023, EU đã khởi động lại các cuộc đàm phán FTA với Thái Lan, nền kinh tế năng động tại Đông Nam Á. Hai bên dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ 2 vào cuối tháng 1/2024 với mục tiêu hoàn tất hiệp định vào năm 2025.
Trong khi đó, cuối tháng 11 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng thông qua FTA với New Zealand, đồng thời tuyên bố hiệp định này có thể có hiệu lực vào đầu năm 2024 sau khi được Wellington phê chuẩn. Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, những bước đi này khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách thương mại của EU, đồng thời giúp củng cố hơn nữa vị thế của EU tại khu vực đang được xem là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế thế giới này.
Bên cạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Phi cũng là khu vực ưu tiên trong chính sách ngoại giao kinh tế của EU. Một trong những thỏa thuận được đánh giá là mang tính lịch sử được EU ký kết trong thời gian qua là Hiệp định Đối tác kinh tế với Kenya. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên giữa EU và một quốc gia châu Phi kể từ năm 2016, tạo đà để EU thâm nhập sâu hơn vào thị trường giàu tiềm năng tại châu Phi.
Ngoài ra, một thỏa thuận về đầu tư bền vững cũng vừa được ký kết giữa EU và Angola, tạo đà bứt phá cho hợp tác kinh tế giữa hai bên. EC khẳng định, Kenya và Angola là hai đối tác quan trọng tại châu Phi. Những thỏa thuận vừa được ký kết không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa EU và các nước, mà còn là cầu nối quan trọng, giúp thắt chặt sợi dây kết nối về thương mại bền vững giữa Liên minh Cờ xanh và Lục địa Đen.
Không chỉ giúp tăng cường tiếng nói và vị thế của EU, các hiệp định thương mại cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế EU. Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 26 của EU trên toàn thế giới. Giá trị thương mại hai chiều giữa hai bên trong 10 tháng tính từ đầu năm 2023 đạt 35 tỷ USD, tăng 1,96% so mức cùng kỳ năm ngoái. EU kỳ vọng, một FTA tham vọng, hiện đại và cân bằng với Thái Lan sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thương mại, đầu tư giữa liên minh với nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á này.
Trong khi đó, theo EC, FTA với New Zealand sẽ giúp giảm khoảng 140 triệu euro tiền thuế mỗi năm cho các doanh nghiệp EU. Thương mại song phương dự kiến sẽ tăng tới 30% trong vòng 10 năm khi kim ngạch xuất khẩu hằng năm của EU sang New Zealand có thể cán mốc 4,5 tỷ euro, trong khi dòng vốn đầu tư tăng hơn 80%.
Các nhà phân tích nhận định, những bước đi tích cực của EU trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của khối đối mặt nhiều thách thức. Những vết thương do cơn bão lạm phát, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, lãi suất tăng cao gây ra vẫn chưa được chữa lành. Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế EU dự kiến chưa thể sớm chuyển sang gam màu sáng trong thời gian tới.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 của Khu vực đồng euro (Eurozone) xuống còn lần lượt 0,6% và 0,8% trong năm nay và năm 2024. Trong bối cảnh đó, những cơ hội hợp tác mới đến từ các thỏa thuận thương mại có ý nghĩa rất quan trọng với EU.