Giao thông Đắk Nông qua 2 thập kỷ
Sau gần 20 năm, hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông được tái lập vào ngày 1/1/2004. Thời điểm này, Đắk Nông gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên cũng như cả nước. Trong đó, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Năm 2004, toàn tỉnh Đắk Nông có 3.412km đường bộ. Tỷ lệ đường được nhựa hóa, cứng hóa thời điểm đó chỉ đạt 14%. Số lượng 86% còn lại là đường đất, đường cấp phối. Việc đi lại, thông thương hàng hóa của bà con trong và ngoài tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Thời điểm đó, toàn tỉnh Đắk Nông có 9 đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, với 122 phương tiện. Tổng số tuyến vận tải hành khách cố định là 52 tuyến. Khối lượng vận chuyển hàng hóa năm đạt 378.000 tấn/năm.
Đắk Nông thời điểm mới tái lập chỉ có 5 bến xe, với chất lượng rất thấp. Toàn tỉnh có 3 cơ sở đào tạo lái xe hạng A1.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đắk Nông đã chủ động đề ra các biện pháp tích cực, động viên cán bộ, người dân nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, hiện hệ thống quy hoạch GT-VT ở Đắk Nông đã cơ bản hoàn thiện, đầy đủ. Các kế hoạch phát triển chuyên đề về GT-VT được xây dựng và triển khai thực hiện một cách bài bản, căn cơ.
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Đắk Nông đạt kết quả khá. Nhiều dự án lớn, quan trọng trên hệ thống quốc lộ được triển khai.
Các tuyến đường huyện, đường đến trung tâm các xã, đường nội thôn, bon được tỉnh, huyện, ngành GT-VT tập trung đầu tư. Chiều dài đường bộ và tỷ lệ nhựa hóa trên địa bàn tỉnh tăng cao so với thời điểm tái lập tỉnh.
Theo Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có 4.683 km đường bộ, trong đó có 3.249km đường nhựa và bê tông xi măng (chiếm 69,2%). Tỉnh, có 1.443km đường đất, đường cấp phối (chiếm 30,8%).
Trong đó, 3 tuyến quốc lộ (14, lộ 14C và 28) có tổng chiều dài 497km, 6 tuyến tỉnh lộ dài 227km đã được nhựa hóa 100%. Có 82% trong số 700km đường huyện đã được nhựa hóa; 53% trong số 2.904km đường xã, thôn, bon đã được nhựa hóa, cứng hóa. Toàn tỉnh Đắk Nông có 297km đường đô thị và 58km đường chuyên dùng.
Hiện nay, Đắk Nông có 56 đơn vị kinh doanh vận tải, với tổng số 4.177 phương tiện kinh doanh. Đắk Nông có 165 tuyến vận tải hành khách cố định với số lượng phương tiện đông, chất lượng phương tiện nâng cao.
Sản lượng vận tải hành khách trong những năm qua ở Đắk Nông không ngừng tăng, với tỷ lệ bình quân 6,9%/năm. Sản lượng luân chuyển hành khách tăng bình quân 11%/năm.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 2023 đạt 3,6 triệu tấn, tăng bình quân 12,6%/năm. Sản lượng hàng hóa tăng bình quân 13,8%/năm, đạt hơn 33 triệu tấn/km vào năm 2023.
Các bến xe tăng cả lượng và chất. Đắk Nông đã có 9 bến xe, trong đó có 1 bến xe loại III và 8 bến xe loại IV. Tất cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn đều đã có bến xe. Hiện các địa phương đang tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm các bến xe để phục vụ việc đi lại của bà con.
Qua 20 năm phát triển, hạ tầng GT-VT ở Đắk Nông đã từng bước phát triển mạnh, góp phần tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, Đắk Nông hiện vẫn chỉ có duy nhất phương thức vận tải đường bộ, chưa có đường sắt, đường không. Một số dự án xây dựng giao thông mang tính động lực chưa được dầu tư xây dựng. Nguồn kinh phí hạn chế, nên việc quản lý, bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định rõ nhiệm vụ phát triển hạ tầng GT-VT giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, về đường bộ, đến năm 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 380km, nâng tỷ lệ nhựa hóa từ 65% lên 73%. Tỉnh tập trung cải tạo, nâng cấp 82km tỉnh lộ nhằm nâng tỷ lệ đường có quy mô 2 làn xe từ 19% lên 55%.
Đắk Nông đề nghị Bộ GT-VT đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 28 gồm 2 đoạn: Gia Nghĩa - Quảng Khê - Đắk Som (từ TP. Gia Nghĩa đến khu du lịch Tà Đùng) và đoạn qua trung tâm thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), Ea T’ling (Cư Jút). Trong đó, Đắk Nông kiến nghị ưu tiên đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê.
Trung ương đã đồng ý quy hoạch đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đưa vào quy hoạch xây dựng cao tốc quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 theo hình thức PPP. Hiện dự án đã được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư và có thể sẽ khởi công trong năm 2025.
Giai đoạn đến 2030, Đắk Nông phấn đấu nhựa hóa, cứng hóa đường toàn tỉnh từ 73% lên 88%; nâng cấp 100% tỉnh lộ có 2 làn xe trở lên. Đắk Nông kiến nghị Bộ GT-VT đầu tư đoạn cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và hoàn thiện việc nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn.
Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản kỳ vọng: Khi có cao tốc, Đắk Nông sẽ phá được thế độc đạo, tăng sự kết nối vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng sẽ giúp giao thông liền mạch, thông suốt, tạo ra động lực to lớn để phát triển hệ thống bến xe, phương tiện.
Ngành GT-VT tỉnh Đắk Nông đề xuất 4 giải pháp trọng tâm để phát triển hạ tầng GT-VT, hoàn thành mục tiêu đột phát chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ nhất, ngành GT-VT Đắk Nông tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển hạ tầng GT-VT giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, ngành GT-VT đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết 07/NQ-TU của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, ngành GT-VT tập trung triển khai các dự án quan trọng như: nâng cấp tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 5, đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2) và đầu tư phát triển giao thông đô thị, nông thôn.
Đến năm 2023, toàn tỉnh hoàn thành tỷ lệ nhựa hóa 73% các tuyến đường, nâng quy mô các tuyến tỉnh lộ có từ 2 làn xe lên 55%, tỷ lệ nhựa hóa đường huyện đạt 88%.
Thứ ba, Đắk Nông tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đầu tư xây dựng sân bay, đường sắt theo quy hoạch. Đắk Nông phối hợp chặt với UBND tỉnh Bình Phước thúc đẩy triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Thứ tư, ngành GT-VT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc triển khai các giải pháp kiềm chế, kiểm soát để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nội dung: Lê Phước
Trình bày: N.H