Đắk Nông khắc phục bệnh lười học chính trị trong cán bộ, đảng viên
Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên không chỉ góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin, lý tưởng cách mạng mà còn góp phần đấu tranh với các thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong giai đoạn cách mạng mới.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản liên quan đến đổi mới, nâng cao chất lượng học tập LLCT. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Từ đó, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn hiện nay được nâng lên rõ rệt.
Công tác tuyên truyền, triển khai, học tập và quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng được đổi mới và tiến hành thường xuyên. Các chương trình giáo dục LLCT đã trang bị cho cán bộ, đảng viên phương pháp, tư duy một cách có hệ thống và cụ thể để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, công việc. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẵn sàng, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Theo ông Nguyễn Viết Bé, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông, nhu cầu đào tạo trung cấp LLCT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Từ năm 2004 đến tháng 6 năm 2023, Trường Chính trị tỉnh đã mở 116 lớp đào tạo LLCT, với 6.799 học viên. Kết quả học viên tốt nghiệp trung cấp LLCT xếp loại khá, giỏi chiếm trên 95%.
Để có kết quả này, trường đã triển khai có hiệu quả quy chế đào tạo và thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo LLCT theo yêu cầu đổi mới “học thật, thi thật, chất lượng thật”. Tình trạng ngại học, lười học LLCT của học viên từng bước được khắc phục.
Theo đánh giá, thông qua công tác giáo dục LLCT, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Hầu hết cán bộ, đảng viên đã có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của LLCT trong tu dưỡng, rèn luyện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức phân công. Đặc biệt, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đã góp phần củng cố niềm tin, uốn nắn những lệch lạc, chống các luận điệu sai trái, tạo cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong toàn Đảng.
Khắc phục tình trạng lười học chính trị
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng hiện nay, một số cán bộ, đảng viên vẫn còn biểu hiện ngại học, lười học LLCT; bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Việc giảng dạy, học tập LLCT có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hình thức, nội dung dạy, học còn khô khan, thiếu thực tế, chưa cuốn hút được người học...
Cũng theo ông Nguyễn Viết Bé, qua kiểm tra đột xuất và giám sát camera trên giảng đường cho thấy, ở một số lớp học vẫn còn tình trạng học viên lười học, sao nhãng, học để đối phó, điểm danh, để lấy chứng chỉ để đủ điều kiện bổ nhiệm...
Do đó, để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Viết Bé cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác giáo dục LLCT đối với cán bộ, đảng viên, học viên. Đó là học để có tri thức, tích lũy kiến thức nhằm tu dưỡng, rèn luyện tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên, học viên phải coi học tập LLCT là nhu cầu tự thân, học cho mình không phải cho tổ chức, học để phục vụ công việc.
Đồng quan điểm này, ông Lê Khắc Ghi, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk nông cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên được cử đi học tập, nghiên cứu LLCT phải tạo sự chuyển biến trong động cơ, mục đích của việc học tập như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại". Khi tham gia học tập, nghiên cứu LLCT, cán bộ, đảng viên, học viên phải chuẩn bị tốt tâm thế, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn về thời gian, công việc và gia đình, tập trung học tập với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Quá trình học tập, cán bộ, đảng viên, học viên phát huy tính chủ động, tích cực, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng, học đi đôi với hành. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của người học, tăng cường trao đổi thảo luận, tương tác giữa thầy - trò để giờ học LLCT trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người học.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, để khắc phục tình trạng lười học, ngại học chính trị, cấp ủy các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các kết luận, quy định của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) gắn với Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, nhất là trong cán bộ, đảng viên.
Ban Tuyên giáo các cấp, các trung tâm chính trị cần tập trung nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn; tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; đa dạng các hình thức, đối tượng tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên không gian mạng, tập trung vào đối tượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên...
Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Các chi bộ đưa nội dung học tập LLCT vào nghị quyết định kỳ và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm. Đồng thời, cấp ủy và người đứng đầu phải nêu gương về ý thức, thái độ học tập LLCT, coi đây là công việc thường xuyên, nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.