Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 17:28, 26/12/2023

Ngày 26/12, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Lâm Đồng, tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên".
Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên ảnh 1
Quang cảnh hội thảo.

Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và đại diện sở, ban, ngành các tỉnh Tây Nguyên.

Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên ảnh 1
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Đình Văn nhấn mạnh, Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước. Vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo; nơi lưu giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá.

Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên ảnh 2
Đồng chí Trần Đình Văn phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng chí Trần Đình Văn mong muốn, thông qua hội thảo, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên được tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học để xác định rõ hơn những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với từng địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong thời gian tới.

Việt Nam có một lịch sử lâu đời và hào hùng, có nền văn hóa phong phú, nhân văn và sâu sắc. Người dân Việt Nam đã kiến tạo cho mình những giá trị bền chắc từ hàng nghìn năm nay. Việt Nam có truyền thống bao dung văn hoá, dung hợp văn hoá, có bề dày và chiều sâu của các lớp giá trị.

Bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam được hình thành trong suốt lịch sử và chiều sâu giá trị này. Những giá trị trong thời đại Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy các giá trị cộng đồng của các dân tộc Việt Nam; là sự tiếp thu, biến đổi và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại.

Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên ảnh 3
Đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Tạ Minh Tuấn cho biết, trải qua gần 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, hệ thống lý luận về đường lối đổi mới của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển tương ứng. 40 năm đổi mới cũng đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cho hệ giá trị của Việt Nam. Vấn đề giá trị Việt Nam, hệ giá trị Việt Nam luôn được Đảng ta quan tâm, phát triển qua các kỳ đại hội.

Đặc biệt, nội dung của các hệ giá trị đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng (ngày 24/11/2021), trong đó nêu 4 hệ giá trị, gồm hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gồm 8 thành tố, hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm 4 thành tố, hệ giá trị văn hóa Việt Nam gồm 4 thành tố và hệ giá trị quốc gia gồm 9 thành tố.

Luận giải các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên ảnh 4
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu luận giải, chia sẻ thông tin thực tiễn về xây dựng và thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, làm rõ thực trạng triển khai việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn với thực tiễn và đặc trưng riêng của vùng Tây Nguyên; vai trò của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân vùng Tây Nguyên trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay…

Đồng thời, luận giải, chia sẻ những thông tin, căn cứ khoa học từ góc độ quản lý và thực tiễn từng địa phương vùng Tây Nguyên về xây dựng và thực hiện các hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam ở vùng đất bazan trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên, có vai trò và ý nghĩa quan trọng để các địa phương phát triển nhanh và bền vững; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

MAI VĂN BẢO