Kinh tế

Nông nghiệp xanh hiện thực trong sản xuất nông nghiệp Đắk Nông

Hưng Nguyên 26/12/2023 05:30

Nhiều nông dân Đắk Nông đang áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Trồng tiêu hữu cơ tiếp cận tự nhiên

Gia đình ông Vũ Văn Thủy, thôn Thuận Tình, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song có 5 ha hồ tiêu. Sau những đợt dịch bệnh làm hồ tiêu trên địa bàn huyện chết nhiều, ông Thủy đã thay đổi sang phương thức sản xuất NNHC.

nnhc-1-(1).jpg
Vườn hồ tiêu hữu cơ của ông Vũ Văn Thủy, thôn Thuận Tình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song)

Ông Thủy chia sẻ, sản suất NNHC là cách tiếp cận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại và các chất hóa học nông nghiệp khác. Thay vào đó, ông tận dụng điều kiện tự nhiên để tạo ra một hệ sinh thái cân bằng, giúp bảo vệ đất đai, nước và sự đa dạng sinh học.

Nắm rõ quy trình canh tác này, đất, nước, môi trường xung quanh cây hồ tiêu trở thành không gian nhạy cảm và được ông Thủy quan tâm đặc biệt, vì nó tác động trực tiếp đến cây.

Các yếu tố đất, nước, vi sinh vật được ông Thủy chăm chút, nhiều sinh vật được bảo vệ, bổ sung để môi trường cân bằng. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường được ông sử dụng thay thế phân bón và thuốc hóa học.

Thời điểm đầu, sự thay đổi về cách chăm sóc khiến hồ tiêu bị tác động, vườn tiêu của ông Thủy giảm năng suất, nhưng đổi lại chi phí đầu tư giảm, cây ít bệnh, sức sống mãnh liệt hơn. Việc thay đổi này đã từng bước giúp ông chủ động được sản xuất, kiểm soát được rủi ro trên cây hồ tiêu.

"Thông qua quan sát lá, thân để xác định cây tiêu thiếu chất gì và tôi bón chất đó, nên chi phí sản xuất xuống thấp, chất lượng tiêu ngày càng được nâng lên, giúp tôi bán giá tốt hơn", ông Thủy chia sẻ.

Sau 3 năm thay đổi cách sản xuất, vườn hồ tiêu của ông Thủy đạt chuẩn Organic. Chất lượng hồ tiêu của ông được đánh giá bởi đơn vị độc lập, uy tín và được nhiều bạn hàng thu mua.

Hồ tiêu của ông có thể tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm hồ tiêu của ông bán được với giá cao hơn 45-50% so với sản xuất thông thường.

Trên địa bàn Đắk Song hiện có 55 thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên chuyên sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với diện tích hơn 196 ha. Toàn bộ diện tích hồ tiêu này đều được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada...

Thân thiện với môi trường

Theo Sở NN-PTNT, tại Đắk Nông, những năm gần đây, nhiều người dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường.

Đắk Nông hiện có 1.274 ha cây trồng của 17 cơ sở, hộ gia đình sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh còn có một số doanh nghiệp, HTX đang chuyển đổi, sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 150 ha.

Tỉnh Đắk Nông có 218.746 ha cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau xanh... Đến năm 2023, Đắk Nông có khoảng 29.286 ha sản xuất đạt chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương như: GlobalGAP, VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest... Đây là tiền đề cho phát triển NNHC tại Đắk Nông.

nnhc-2-(1).jpg
Các phế phẩm nông nghiệp được nông dân Đắk Nông tái sử dụng, xử lý để bón cho cây trồng giảm thiểu rác thải ra môi trường

Tháng 4/2022, Đắk Nông ban hành đề án NNHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2035. Thông qua đề án, tỉnh đang từng bước hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm NNHC, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng.

Ngành Nông nghiệp cùng với người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng quy mô diện tích, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng của sản phẩm NNHC.

Các địa phương hình thành vùng nguyên liệu ổn định, phát triển công nghiệp chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đặc thù của tỉnh. Qua đó, ngành Nông nghiệp hướng đến thị trường xuất khẩu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Hưng Nguyên