Chú trọng ‘5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn’ trong trường học
Chính sách - Ngày đăng : 16:51, 25/12/2023
Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện Quyết định số 1115/QĐ-UBND ngày 21/9/2023 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác y tế trường học năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; tiếp tục thực hiện nghiêm quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt mô hình cung cấp thực phẩm an toàn tại các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học; chú trọng tuyên truyền nội dung "05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn" theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn, các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.
Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của học sinh trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ,…
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với nhà trường về bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học. Huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học, không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hướng dẫn nhà trường phối hợp với Hội phụ huynh học sinh kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học (nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm…). Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thì nhà trường cần tạm dừng sản phẩm và thông báo ngay cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm để xác minh, xử lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với đội Thanh tra – Quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn của các trường học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn, các cơ sở cung cấp và kinh doanh thực phẩm ngoài cổng trường học.