Ca cao Đắk Nông ngang tầm thế giới
Chuyên gia Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Đắk Nông nên chọn ca cao làm hình ảnh đại diện cho ngành Nông nghiệp.
Chuyên gia Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Đắk Nông nên chọn ca cao làm hình ảnh đại diện cho ngành Nông nghiệp.
Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao Đắk Nông nên chọn cây ca cao làm đại diện đặc trưng cho nông nghiệp ? Trong khi Đắk Nông có nhiều cây trồng thế mạnh như hồ tiêu, cà phê, cao su...?
Ông Phạm Thanh Tùng: Đắk Nông có nhiều lợi thế cạnh tranh để chọn cây ca cao làm đại diện đặc trưng cho sản phẩm nông nghiệp. Thứ nhất, những ai làm trong ngành ca cao đều biết Việt Nam có nhiều vùng đất, khí hậu phù hợp với cây trồng này, riêng Đắk Nông rất phù hợp.
Thứ hai, trong “bản đồ” phát triển thương hiệu về loại cây ở Việt Nam, có rất nhiều cây chủ lực ở tầm thế giới, nhưng ca cao chưa được định hướng. Trong khi đó, ca cao Việt Nam có thể ở tầm thế giới.
Chất lượng sản phẩm ca cao của vùng Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, có thể sánh ngang với những loại ca cao hàng đầu thế giới.
Thứ ba, Đắk Nông đang có những doanh nghiệp, HTX làm rất tốt việc chế biến ca cao chất lượng cao. Đây là tiền đề giúp nâng cao giá trị sản phẩm ca cao. Ở Việt Nam, ca cao là cây trồng chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, Đắk Nông nên nắm bắt cơ hội này!
PV: Vậy theo ông, ca cao Đắk Nông liệu có đủ tầm để trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh hay không?
Ông Phạm Thanh Tùng: Cá nhân tôi, khi thưởng thức sản phẩm ca cao Đắk Nông, tôi cảm thấy rất ngon! Tôi được thử cả trái tươi, thử cả thành phẩm. Socola thì thấy rất tốt. So sánh với một số sản phẩm ca cao mà tôi mua đắt tiền ở các siêu thị nhập khẩu về, ca cao ở Đắk Nông ngang với những nước sản xuất hàng đầu thế giới, có khi còn tốt hơn!
PV: Nếu ca cao được chọn làm đại diện cho hình ảnh nông nghiệp, Đắk Nông cần có giải pháp nào để làm nổi bật loại cây trồng này, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Tùng: Đầu tiên, Đắk Nông cần chuyển tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Tức là, Đắk Nông không quá chú trọng tiếp cận nó bằng sản lượng mà tập trung tiếp cận bằng chất lượng và giá bán cuối cùng.
Ví dụ, một thanh socola được làm từ ca cao hiện có giá khoảng 100.000 đồng thì Đắk Nông phải nâng cao chất lượng để bán được với giá cao hơn nhiều lần. Từ đó, khẳng định vị thế của ca cao Đắk Nông.
Đối với thế giới, Đắk Nông phải nâng cao giá bán để khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đương nhiên, muốn bán với giá cao thì chất lượng phải tốt. Như vậy, Đắk Nông nên xác định chất lượng quyết định chứ không phải số lượng.
Đắk Nông cần mời các chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn nông dân trồng và chăm sóc ca cao để cho trái ngon. Nguyên liệu ngon thì phải có những giống cây đạt chất lượng cao.
Chính quyền cần mời chuyên gia nước ngoài về dạy sơ chế, chế biến sau thu hoạch và làm ca cao. Nhất là, Đắk Nông cần được chuyển giao công nghệ làm ca cao ở các quốc gia phát triển.
Tỉnh cần tổ chức các cuộc thi, lễ hội để hạt ca cao Đắk Nông dần dần trở thành định vị hình ảnh trong toàn quốc. Sau khi mình làm được việc đó rồi thì mang sản phẩm ca cao chất lượng cao đi thi quốc tế. Đi thi quốc tế là cách hay nhất, vừa dễ và ít chi phí nhất để chúng ta khẳng định được vị thế về ca cao Đắk Nông trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Đắk Nông có thể khai thác phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm các vườn cây ca cao, khu nhà xưởng chế biến…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Thanh Nga - Trình bày: NH