Như lá đại ngàn - như nước đại dương
Để Đắk Nông có diện mạo hôm nay, biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và tình yêu, biết bao ân nghĩa giữa người với người, chúng tôi sống vì nhau, cùng nâng đỡ nhau cho vùng đất này.
Nơi "đất lành chim đậu"
Cưới nhau được mười lăm ngày, chồng bảo bán hết cửa hàng, vào Đắk Nông xin việc. Tôi ngỡ ngàng, cửa hàng đang kinh doanh tốt, mà Đắk Nông là ở đâu? Đắk Nông là tỉnh mới, mình còn trẻ nên vào đó gầy dựng cơ nghiệp. Nếu muốn thì anh cứ vào thử một thời gian. Em ở ngoài này. Không được, nếu vào thì cả hai vợ chồng cùng đi, mình em ở lại đây anh không yên tâm. Nhưng bán cửa hàng đi nếu vào đó không làm ăn được thì làm sao. Với lại cũng phải có thời gian tìm người mua, chứ bán vội thì bị ép giá. Để có cửa hàng như thế này đâu phải đơn giản, mấy chục cây vàng đổ vào đây rồi. Không lằng nhằng nữa, bán hết. Thế là bán đổ bán tháo, ai mua gì cũng bán, ai xin gì cho đấy, vốn bỏ ra mười đồng thu lại được một. Tôi tiếc khóc dấm dứt ... không lẽ vợ chồng lại bỏ nhau. Quyết định, chồng vào trước, vợ ở lại thu xếp công nợ rồi vào sau.
Tháng 4 năm 2005, tôi chính thức đặt chân vào Đắk Nông. Chấp nhận rời bỏ một cửa hàng kinh doanh đang làm ăn tốt, chấp nhận xa quê, để theo chồng vào Đắk Nông. Hành trang tôi mang theo là một va li đầy sách, một va li quần áo và rất nhiều kem dưỡng da, sữa tắm. Bởi trước khi lên xe, đám bạn của tôi tư vấn rằng trong ấy rất ít chợ, trong ấy rất nắng nên cần nhiều mỹ phẩm.
Hồi ấy, tôi chỉ biết rằng Đắk Nông là một tỉnh mới tách và rất nghèo. Nhưng khi đặt chân đến đây tôi mới thấy rằng tất cả mọi thứ khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Thị xã Gia Nghĩa hồi ấy thiếu thốn rất nhiều thứ, chợ thị xã mà cũng chỉ lèo tèo vài quán hàng, tìm một quán ăn “tươm tươm” một chút cũng khó. Đêm về, mọi hoạt động chỉ tập trung ở hai bên cầu Đắk Nông, với mấy quán hàng nhỏ. Những ngày trong tuần còn đỡ buồn nhưng mỗi cuối tuần thì thị xã càng trở nên vắng vẻ khi một phần cán bộ, công chức về lại Buôn Ma Thuột.
Tôi sợ nhất là những ngày chồng đi xuống huyện vào mùa mưa. Tôi sợ phải ở một mình trong căn nhà gỗ. Tôi sợ sự cô đơn, tôi không biết làm gì để đỡ phần quạnh quẽ. Chỉ còn cách ra quán cà phê “ngồi đồng” hàng giờ để đọc sách, nhớ về quê hương, về phố xá đông vui, những cửa hàng đông đúc, cảnh người xe nườm nượp mỗi chiều. Tôi muốn được đắm mình trong không khí mỗi buổi tinh mơ, ngồi ngắm những xe chở hoa vào phố. Tôi nhớ mùi xôi xéo, xôi ngô. Tôi nhớ mùi thơm của trà, nhớ cảm giác ấm nóng khi ôm chén trà thơm trong lòng bàn tay, trò chuyện cùng bạn bè ở quán trà đá bên hồ Ngọc Khánh. Nhớ không khí bán bán mua mua ở chợ đêm Đồng Xuân, chợ rau Long Biên. Nhớ không khí se lạnh mỗi chiều thu Hà Nội. Nỗi nhớ cứ đặc quánh lại, bao phủ lấy tôi. Hồi ấy, mỗi khi chồng đi công tác, tôi lại ra nhà nghỉ Trung Sơn thuê một phòng, gần phòng của anh chị chủ nhà nghỉ. Ở đó có tiếng người nói, có bước chân người qua lại, tôi sẽ bớt sợ. Chồng đi công tác hai ngày, tôi ở hai ngày. Chồng đi một tuần, tôi ở đó một tuần.
Thời gian đầu khi vào Đắk Nông thực sự là khoảng thời gian khủng hoảng với tình cảm của vợ chồng tôi. Tôi muốn ra Bắc. Chồng thì muốn ở lại thử sức mình. Tôi giận dỗi, làm căng suốt một thời gian dài. Anh làm hòa bằng cách đưa tôi đi đến nhà gặp những đồng nghiệp làm cùng Tỉnh đoàn Đắk Nông vào những ngày cuối tuần. Họ đều là những cặp vợ chồng trẻ. Hồi ấy, sơ bộ trong các sở, ban, ngành, giai đoạn từ 2004 đến 2010, tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ chiếm đến 60%. Tất cả đều có điểm chung: Từ nơi khác đến đây, chọn Đắk Nông làm quê hương thứ hai của mình, chọn vùng đất lành này để cùng nhau cống hiến tâm, trí lực, cùng nhau dựng xây một Đắk Nông tươi đẹp.
Âm thầm chuyển động, khát vọng vươn lên
Cuộc sống xoay vần theo thời gian đã định, với bao bộn bề của cuộc sống, gia đình tôi cũng cuốn theo nhịp sống ấy. Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn như thế nhưng chúng tôi vẫn lao động miệt mài, nhiệt tâm, mong muốn cống hiến hết sức mình cho một tỉnh mới.
Ngoảnh đi, ngoảnh lại mà đã hai mươi năm, thời gian đã không phụ lòng người, Đắk Nông đã dần đổi thay, từng chút một diện mạo khang trang ngày càng rõ. Đến Gia Nghĩa bây giờ, không ai có thể hình dung nổi khung cảnh thị xã Gia Nghĩa các đây 20 năm trước. Năm 2004, khởi đầu từ một tỉnh nghèo, năm 2020, Đắk Nông đã thoát khỏi tỉnh nghèo, phấn đấu thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên, có nền kinh tế năng động và bền vững. Tôi nhớ thu nhập bình quân đầu người năm 2005 mới hơn 5 triệu đồng, đến nay ước đạt 60,64 triệu đồng; số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 33,73% (năm 2004) thì đến nay chỉ còn 7,97%. Số liệu thống kê kết quả sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 7,73%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 21,2%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 10.635,39 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm.
Tôi không phải là người làm kinh tế nên không thể hình dung và quy đổi cụ thể con số đó thành bao nhiêu.... Nhưng bằng cảm nhận của một người đã có ngót hai mươi năm sống và làm việc nơi này, tôi thấy rõ chiều hướng đi lên của Đắk Nông nói chung và Gia Nghĩa nói riêng. Gia Nghĩa bây giờ đã là một thành phố trẻ. Hai bên đường 23 tháng 3 và các tuyến đường khác, những cây hoa vàng mới ngày nào được trồng, bây giờ đã trổ hoa vàng rực khi vào mùa, những khu tái định cư Sùng Đức, Đắk Nia… đã nhà nối nhà đông vui. Con đường 23 tháng 3 trục đường chính xuyên qua lòng thành phố theo hướng tây nam. Một cây cầu lớn nối hai bờ con sông chạy giữa lòng thành phố. Trụ sở Công an tỉnh Đắk Nông nằm ở hướng bắc, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng hướng tây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng đông là 3 khu công trình mang kiến trúc đặc trưng riêng biệt trấn ba cửa ô dẫn vào trung tâm.
Khu Sùng Đức, đồi nối đồi hoang rậm trước đây, giờ có đường dọc, đường ngang, trụ sở các sở ngành kiến trúc hiện đại san sát mọc lên với cơ sở, vật chất đầy đủ để phục vụ các hoạt động công vụ. Những ngôi nhà hai tầng, ba tầng, mái kiểu thái của người dân cũng san sát bên nhau mọc lên báo hiệu một đời sống ổn định và sung túc. Trên những con đường hai chiều mới mở rộng, những chiếc ô tô cá nhân trị giá hàng tỷ đồng mang biển số bốn tám êm ru lướt nhẹ. Những nhà hàng, khách sạn được xây dựng và đưa vào phục vụ. Bây giờ ngoài những nhà hàng, khách sạn bình dân thì TP. Gia Nghĩa cũng đã có khách sạn đạt chất lượng ba sao, chất lượng phục vụ không kém gì các thành phố khác. Chợ Gia Nghĩa ngày càng đông vui, hàng hóa ngày một nhiều, tấp nập cảnh bán mua. Cây cầu nhỏ đã được thay thế bằng cây cầu kiên cố bắc qua và bên cạnh là quảng trường trung tâm đang dần được hoàn thiện... Tất cả báo hiệu một Đắk Nông với tiềm năng và thế mạnh và khát vọng vươn xa đang trên đường tăng tốc.
Những điều còn lại
Thời gian chính là liều thuốc thử thách rõ ràng nhất đối với bản lĩnh con người. Hai mươi năm trôi qua, một chặng đường đủ để chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống. Nhiều người đến lập nghiệp ở Đắk Nông khi mái tóc còn xanh, tận tâm, tận lực chung sức xây dựng vùng đất mới, nay mái tóc đã chuyển màu, hoàn thành công việc của người “khai sơn phá thạch”, người về, người ở, người mất, người còn, chuyện vui, chuyện buồn...
Tôi và nhiều cặp vợ chồng trẻ đến Đắk Nông bằng sự ngỡ ngàng, bằng hành trang là sức trẻ, là tri thức nhận được ở trường đại học, là khát khao cống hiến, sau từng ấy năm dù ít nhiều cũng đã gây dựng được sự nghiệp riêng của mình. Riêng tôi, vào Đắk Nông được 4 tháng, may mắn tôi được nhận vào làm ở tạp chí Nâm Nung (Hội Văn học nghệ thuật). Thời gian đầu, cơ quan hội phải thuê nhà ở 154 Trần Hưng Đạo làm trụ sở, cũng là nơi ở của các anh Lê Tiến Dị, Trinh, Nguyễn Liên, em Hòa, Khuê, Liễu, Hải... Cơ quan nhỏ mà ấm áp, anh, chị, em trong cơ quan chia ngọt sẻ bùi. Nhớ những lúc bọn trẻ chúng tôi hết tiền trả tiền thuê nhà, lại được anh Lê Tiến Dị hồi ấy là Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Nâm Nung lấy tiền nhà ra cho mượn. Đôi khi mượn lâu quá cũng chưa có trả, anh cũng cho luôn, dù kinh tế gia đình anh cũng không khá giả gì. Ân tình của anh cả đời chúng tôi không quên.
Hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn làm ở tờ báo văn nghệ với mức lương khiêm tốn. Nhưng ở đời, biết đủ là hạnh phúc, biết đủ là an yên, tôi thấy đủ khi đã mua được đất, dựng được một ngôi nhà nhỏ. Thỉnh thoảng lại có điện thoại báo bạn này về nhà mới, bạn kia vừa mua được mảnh đất, có người thì đã chuyển được cả gia đình, bố mẹ, anh em vào xin việc làm ở Đắk Nông. Rồi chuyện con của bạn này đậu thủ khoa trường đại học, con của chú kia đạt học bổng đi du học. Những đứa trẻ ấy cũng đã bắt đầu khôn lớn, đường đời trăm ngả, trong số những công dân “made in Đắk Nông” ấy có thể sẽ lập nghiệp ở nơi khác nhưng chắc chắn sẽ có những người về ở lại với Đắk Nông mà tiếp tục xây dựng quê hương như ba mẹ chúng đã làm. Đắk Nông là nơi đất lành, mà đất lành thì tất chim sẽ bay về làm tổ ấm.
Trong cái se lạnh của đêm mùa xuân cao nguyên, tôi đứng trên tầng cao của quán cà phê Đôi dép, phóng tầm mắt ngắm nhìn thành phố, Gia Nghĩa lung linh trong ánh đèn như triệu vì sao. Thành phố bình yên và ngày mai tiếp tục vươn vai lớn dậy. Chợt điện thoại có tin nhắn: “Em biết không? Anh đang ngồi trong căn gác có cửa sổ hướng về phía thượng nguồn, phía Đắk Nông mà nhớ về mảnh đất mình đã từng làm việc. Đêm tĩnh lặng và xa lắc một miền cố hương nặng nợ”. Tôi lại bồi hồi nghĩ về tình người nơi ấy và cái duyên của kẻ nơi xa đối với cao nguyên M’nông thăm thẳm những trầm tích. Để có một Đắk Nông với diện mạo hôm nay, biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và tình yêu, biết bao ân nghĩa giữa người với người, chúng tôi sống vì nhau, cùng nâng đỡ nhau cho vùng đất này. Tình yêu, trí lực, công sức, mồ hôi, ân nghĩa ấy nhiều như lá đại ngàn, nhiều như nước đại dương. Không ai có thể đo, đếm được.