Thời sự Đắk Nông

Việt Nam hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro trong ngoại giao kinh tế

Lê Dung 21/12/2023 16:20

Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế do Bộ Ngoại giao tổ chức.

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Đắk Nông.

img_0313(1).jpg
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Công tác ngoại giao kinh tế đã có một quá trình hình thành, phát triển hơn nửa thế kỷ. Đồng hành với từng nhịp đập, hơi thở của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế thích ứng với tình hình mới. Từ đó, đã tạo thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.

Văn kiện Đại hội cũng lần đầu đề ra định hướng "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm".

Quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy truyền thống của ngành Ngoại giao, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện. Nhờ đó, đến nay đã có những chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào.

Tại hội nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trình bày các tham luận quan trọng. Trong đó, ngoại giao kinh tế tập trung những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo, tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn; các tiêu chuẩn quy định mới ở các thị trường truyền thống; cơ hội và thách thức mới ở các thị trường mới khai phá...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần phải bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích và chia sẻ những rủi ro. Việc phản ánh chính sách phải diễn ra nhanh, kịp thời và chính xác hơn.

Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, chân thành, thận trọng, tin cậy, thể hiện sâu sắc tinh thần ngoại giao “cây tre”. Đồng thời, bám sát yêu cầu trong nước, người dân, doanh nghiệp để làm những cái gì người ta cần, chứ không phải làm cái gì đã có.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao cần phải nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp và có tâm, có tầm…

Lê Dung