Học giả Trung Quốc: "Thời đại mới" của quan hệ Trung-Việt
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:22, 20/12/2023
Bài viết của hai học giả Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang và Triệu Tử Long, chuyên gia Viện nghiên cứu khu vực và quốc gia Trung Quốc-ASEAN thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây được trang mạng China Report ASEAN đăng tải ngày 19/12.
Bài viết đánh giá, trong chuyến thăm này, hai bên đã công bố định vị mới trong quan hệ hai Đảng, hai nước, trên cơ sở làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, thể hiện tình hữu nghị sâu sắc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trì trệ và các vấn đề chính trị, an ninh quốc tế thường xuyên xảy ra, Trung Quốc và Việt Nam vẫn kiên trì phối hợp hành động, cùng nhau tạo dựng một “thời đại mới” cho quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, đồng thời tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới và ngoại giao láng giềng tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng mang tính thời đại.
Theo các tác giả, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có nghĩa là hai nước sẽ thiết lập quan hệ mật thiết trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế, từ đó cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của hai nước; lãnh đạo hai nước đạt được nhận thức chung về tầm quan trọng và sự phát triển trong tương lai của quan hệ hai nước, thừa nhận tầm ảnh hưởng quan hệ Trung-Việt đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới, từ đó cũng phối hợp thúc đẩy quản trị khu vực và toàn cầu, duy trì trật tự quốc tế và hệ thống tự do thương mại dựa trên các quy tắc.
Hợp tác thiết thực lĩnh vực kinh tế mới nổi
Theo bài viết, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng cả trên bộ và trên biển, núi liền núi, sông liền sông, điều này quyết định mức độ kết nối, tính bổ sung cao và sự gắn kết lợi ích chặt chẽ giữa hai nền kinh tế.
Hai năm qua, kim ngạch thương mại liên tục vượt mốc 200 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2023, đạt 185,1 tỷ USD. Trung Quốc liên tục nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ tư trên thế giới. Riêng trong lĩnh vực nông sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 20,2% trong 11 tháng đầu năm, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng lớn, cho thấy dư địa rộng lớn trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Kết nối thông qua đường sắt liên vận Trung Quốc-Việt Nam, Trung Quốc-châu Âu góp phần giảm mạnh thời gian vận tải hàng hóa, nâng cao hiệu quả vận tải, giải quyết bài toán khó trong việc kết nối các nước ASEAN với Trung Á...
Theo các tác giả, ngoài các lĩnh vực hợp tác kinh tế truyền thống như xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, Tuyên bố chung đã đề cập hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế mới nổi như xây dựng hạ tầng kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh..., điều này mang lại nhiều cơ hội phát triển cho cả hai bên trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nền kinh tế, mở rộng thương mại và đầu tư song phương, tăng cường an ninh năng lượng và phát triển bền vững, thúc đẩy trao đổi nhân lực và hợp tác công nghiệp..., góp phần thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ chung, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực.
Đẩy mạnh giao lưu nhân dân
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa các quốc gia nằm ở sự giao lưu giữa người dân, bài viết đánh giá, Tuyên bố chung đã nhấn mạnh việc tăng cường các cơ chế trao đổi giữa các cơ quan tuyên truyền của hai Đảng, các cơ quan báo chí chính thống ở Trung ương, nhà xuất bản, đơn vị văn hóa và du lịch, thanh niên, địa phương..., tìm tòi xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cơ quan giáo dục, y tế, y học cổ truyền, hàng không dân dụng...
Các tác giả cho rằng, ý nghĩa tích cực của việc tăng cường hợp tác tuyên truyền là việc phát đi những thông điệp hữu nghị, thân thiện, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, từ đó hiểu và lan tỏa hình ảnh quốc gia này ở quốc gia kia, thúc đẩy giao lưu và hợp tác về văn hóa. Việc đẩy mạnh các thông tin tích cực, sẽ làm nổi bật tình hữu nghị, hợp tác và lợi ích chung, có lợi cho việc tạo dựng hình ảnh tích cực, hữu hảo, đáng tin cậy, giúp người dân có cái nhìn và đánh giá chính xác, khách quan.
Việc này cũng góp phần tăng cường hiểu biết và nhận thức của người dân, củng cố quan hệ hữu nghị, nâng cao hình ảnh quốc gia, thúc đẩy hợp tác song phương...
Cũng theo các tác giả, sau thành công của chuyến thăm, hai nước sẽ đi sâu hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, bước đầu xây dựng các cơ chế kiểm soát và giải quyết bất đồng trong vấn đề trên biển... Đây sẽ là một trang sử mới, một hình mẫu mới trong lịch sử quan hệ quốc tế, khẳng định giá trị của Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.