Đời sống

Phục dựng, phát huy lễ hội văn hóa vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Mỹ Hằng 20/12/2023 10:00

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ của hơn 40 dân tộc cùng nhau sinh sống. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng biệt tạo nên bức tranh đa sắc.

dsc02254.jpg
Đến với Đắk Nông vào dịp đầu năm mới, du khách có thể tham gia vào các lễ hội truyền thống và hòa mình vào nhịp chiêng, điệu múa xoang cùng những món ăn đặc sản của núi rừng Đắk Nông...

Đa sắc màu văn hóa truyền thống

Là dân tộc bản địa nên trong quá trình sinh sống, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn giữ được những nét văn hóa riêng vốn có. Đó là đời sống gắn liền với công việc nương rẫy, sinh hoạt cộng đồng, nhất là sinh hoạt văn hóa gắn liền với các lễ hội truyền thống của địa phương. Một số lễ hội đặc trưng của đồng bào như lễ sum họp cộng đồng, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần rừng, lễ cưới hỏi… vẫn được gìn giữ một cách nguyên bản. Mỗi khi có điều kiện, bà con lại xin phép chính quyền địa phương để tổ chức, phục dựng.

Vài năm trở lại đây, các dân tộc phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao… di cư vào Đắk Nông đã mang theo các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình và đang lan tỏa, gìn giữ trên vùng đất mới. Điều này đã tạo cho vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông một bản sắc văn hóa thật sinh động, đa sắc.

img_2957(1).jpg
Du khách đắm chìm trong những làn điệu dân ca của đồng bào bản địa

Phục dựng 18 lễ hội

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc vùng CVĐC, hàng năm, các địa phương tỉnh Đắk Nông tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Một số lễ hội truyền thống của đồng bào bản địa và các dân tộc phía Bắc cũng được quan tâm, bảo tồn. Đến nay, Đắk Nông đã tổ chức hướng dẫn và phục dựng 18 lễ hội, trong đó một số lễ hội quan trọng của đồng bào các dân tộc như lễ hội “Tăm Blang M’rang bon” (lễ trồng cây Blang), lễ sum họp cộng đồng (R’nglăp bon), lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày- Nùng, lễ cúng bến nước của dân tộc Mạ... Đến với Đắk Nông vào dịp đầu năm mới, du khách có thể tham gia vào các lễ hội truyền thống và hòa mình vào nhịp chiêng, điệu múa xoang cùng những món ăn đặc sản của núi rừng Đắk Nông...

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống “làm rượu cần” và “dệt thổ cẩm” cho 2 tổ hợp tác tại xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa).

dsc02499(1).jpg
Những trò chơi dân gian luôn hấp dẫn du khách vào dịp đầu xuân.

Đặc biệt, năm 2022, nghề dệt truyền thống của người M’nông tỉnh Đắk Nông được Bộ VHTT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023-2025.

Địa phương đã hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình mẫu phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa).

dsc04218(1).jpg
Hoạt động cồng chiêng được gìn giữ, bảo tồn.

Khai thác đi đôi với bảo tồn

Theo Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng CVĐCTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Các di sản được bảo tồn và khai thác vừa phát triển kinh tế- xã hội bền vững vừa phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiện, trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng CVĐC đang có nguy cơ bị mai một... Thời gian tới, các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn. Các ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 06 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mỹ Hằng